Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, do khó khăn về tài chính, năm 2021, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ra chủ trương phát hành trái phiếu để huy động vốn. Thực hiện chỉ đạo, các nhân viên của tập đoàn, trong đó có con trai của ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc, lựa chọn 3 công ty để phát hành trái phiếu là Cung Điện Mùa Đông, Ngôi Sao Việt và Soleil.
Bắt tay "làm đẹp" sổ sách
Đáng nói, kết quả kinh doanh của cả 3 công ty đều không đạt, vì thế bị cáo Việt cùng một số nhân viên tập đoàn "bắt tay" với các công ty kiểm toán để "làm đẹp" hồ sơ tài chính. Sau khi phát hành thành công 9 lô trái phiếu, các bị cáo tiếp tục "chạy" dòng tiền khống, ký hợp đồng giả cách, giúp Tập đoàn Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sở hữu sơ cấp của các lô trái phiếu, rồi bán cho nhà đầu tư.
Với chuỗi hành vi trên, cơ quan tố tụng xác định bị cáo Dũng cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 bị hại.
Do số lượng người tham gia tố tụng rất đông, tòa bố trí 2 hội trường xét xử cỡ lớn, cùng một khu vực rạp ngoài trời. Trong số 6.630 bị hại được triệu tập, gần 1.000 người có mặt; phần lớn trú tại Hà Nội, nhưng cũng nhiều người đến từ Thanh Hóa, Nghệ An…; có người mang theo con nhỏ, bắt xe khách từ tối hôm trước ra thủ đô cho kịp giờ xét xử.
Tự tin... với 30 năm kinh nghiệm
Trước khi tiến hành xét hỏi, hội đồng xét xử yêu cầu cách ly bị cáo Đỗ Anh Dũng, để đảm bảo yếu tố khách quan. Nhóm bị cáo là lãnh đạo, nhân viên tập đoàn, trong đó có con trai ông Dũng, đều khai ông Dũng là người ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu. Họ thừa nhận hồ sơ phát hành trái phiếu được tạo dựng khống, "chạy" dòng tiền để hợp thức trái chủ cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh, rồi bán tới tay nhà đầu tư. Quá trình thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, các bị cáo dưới quyền đều báo cáo để ông Dũng biết.
Trở lại hội trường xét xử sau hơn nửa ngày cách ly, bị cáo Đỗ Anh Dũng thừa nhận là người ra chủ trương phát hành trái phiếu, bởi thời điểm năm 2021, nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh ngày càng lớn, tập đoàn phải tìm thêm các nguồn huy động tiền, chứ không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng. Bị cáo tự tin với "kinh nghiệm 30 năm điều hành doanh nghiệp", nhiều tập đoàn khác cũng đã phát hành hàng triệu tỉ đồng trái phiếu, nên thấy đây là một kênh huy động vốn hiệu quả.
Chủ tọa hỏi: Ngoài lý do trên, mục đích phát hành trái phiếu có phải để giải quyết vấn đề Tân Hoàng Minh không thể vay tiền của ngân hàng? Bị cáo Dũng phủ nhận, nói tập đoàn vẫn còn tài sản để thế chấp; mục đích phát hành chỉ để phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư.
Đáng chú ý, bị cáo Dũng cho rằng, kể từ khi có chủ trương phát hành trái phiếu "chưa bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư". Trong thâm tâm, bị cáo chỉ ý thức rằng đây là việc huy động tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh cho tập đoàn.
Trước lời khai trên, chủ tọa liền truy vấn: "Huy động vốn như thế có đúng?". Bị cáo Dũng nói thời điểm thực hiện thì chưa nhận thức đầy đủ, đến nay đã biết là sai. Cũng vì thế, sau khi bị khởi tố và bắt tạm giam, bị cáo viết đơn đề nghị cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình khắc phục hậu quả. Chỉ trong hơn 1 năm, dù điều kiện rất khó khăn, thông qua 2 lần gặp gia đình, bị cáo đã nộp để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, với số tiền hơn 8.600 tỉ đồng, thậm chí thừa khoảng 1 tỉ đồng so với thiệt hại bị cáo buộc.
Mua trái phiếu vì thấy "Tân Hoàng Minh hùng mạnh"
Trao đổi với Thanh Niên, hàng chục nhà đầu tư cho hay họ mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì 2 lý do. Thứ nhất, được bạn bè là nhân viên của tập đoàn mời chào, nhờ "chạy chỉ tiêu". Thứ hai, tin tưởng vào tiềm lực của tập đoàn, muốn đầu tư để sinh lời.
Chồng đi làm ăn xa, nhà lại neo người, chị Hồng (40 tuổi, quê Nghệ An) bế con trai 2 tuổi đến tòa án từ sáng sớm. Kéo theo chiếc vali lỉnh kỉnh sữa, bỉm, đồ ăn vặt cho con, chị Hồng kể có bạn thân làm việc trong tập đoàn. Tháng 4.2022, người bạn tha thiết nhờ mua trái phiếu để "chạy chỉ tiêu", chị cả nể nên đồng ý, rút tiết kiệm 150 triệu đồng mua trái phiếu kỳ hạn một tháng. Tuy nhiên, ngay hôm sau, vụ án bị khởi tố, cha con chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, chị chưa kịp lấy hợp đồng, chứng từ, chưa được hưởng đồng lãi nào.
Từng "mất ăn mất ngủ" nhiều ngày, chị Hồng nói số tiền bị chiếm đoạt bằng khoảng 25 tháng lương kế toán của chị. Ban đầu, chị rất hoang mang vì không biết có lấy lại được hay không, nhưng đến nay biết các bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền để khắc phục thì đã an tâm hơn. Cũng vì điều này, chị Hồng và hơn 1.200 nhà đầu tư khác đã có đơn xin giảm nhẹ cho cha con chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Một bị hại khác, bà Phương (71 tuổi, trú Hà Nội) biết đến trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông qua giới thiệu của một nhân viên ngân hàng. "Thấy tập đoàn hùng mạnh nên tôi tin tưởng, không do dự gì khi mua cả", bà Phương kể và cho biết đã đầu tư 500 triệu đồng mua trái phiếu. Thời gian đầu thấy có lãi, bà còn rủ con ruột đầu tư thêm 2 tỉ đồng.