Theo phát biểu của Điện Kremlin hồi đầu tuần, cách duy nhất để bảo vệ lãnh thổ Nga trước các cuộc tấn công từ Ukraine là tạo ra một vùng đệm an ninh, vốn có thể giúp các vùng đất ở Nga nằm ngoài tầm bắn của Ukraine.
Vùng đệm ở Ukraine là gì?
Trước đó vào ngày 17-3, trong phát biểu nhân việc tái đắc cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin gây chú ý với việc đề cập khả năng thiết lập một vùng đệm như trên ở Ukraine. Theo ông, "những sự kiện tàn khốc" gần đây tại các vùng Nga tiếp giáp với Ukraine có thể buộc Matxcơva "tạo ra một vùng đệm nhất định", đặt ở những khu vực vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga đặc biệt nhấn mạnh đó là vùng an ninh gây khó cho địch thủ sử dụng vũ khí đa số có nguồn gốc từ nước ngoài để bắn phá.
Đến nay, chưa rõ chính xác các vùng đệm này sẽ ở đâu và hoạt động như thế nào. Giới quan sát lưu ý vùng Belgorod và Kursk của Nga đã trở thành địa điểm thường xuyên bị Ukraine tấn công kể từ tháng 2-2022, thời điểm ông Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Và khi động cơ thiết lập vùng đệm được cho là nhằm ngăn phía Ukraine tấn công, một số khu vực sáp nhập Nga cũng có thể là địa điểm tiềm năng cho ý tưởng này. Ngoài bán đảo Crimea năm 2014, Nga đã sáp nhập thêm 4 vùng ở Ukraine và xem đây là lãnh thổ Nga, gồm Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhzhia.
Dĩ nhiên các khu vực này đều là địa điểm thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công của Ukraine khi Kiev tuyên bố đòi lại mọi phần lãnh thổ bị Nga kiểm soát.
Lá bài khó đánh?
Giới quan sát lưu ý nếu xét vũ khí tầm trung và ngắn, hiện kho vũ khí của Ukraine có các tên lửa đủ sức tấn công ở cự ly 70 - 100km như trên, từ Storm Shadow (Anh, Pháp) cho tới ATACMS hay HIMARS (Mỹ).
Ukraine vẫn khẳng định không dùng vũ khí được phương Tây viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng Nga không tin các tuyên bố đó. Việc nhắc tới yếu tố "vũ khí nước ngoài" là cách Nga nhấn mạnh điều kiện để "giữ vững an ninh".
Câu chuyện này rõ ràng không mới, vì chỉ phản ánh cụ thể lo ngại của Nga lâu nay về việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục mở rộng về phía đông.
Cách đây 10 năm, người ta đã tranh cãi về chuyện liệu toàn bộ Ukraine có thể là một "vùng đệm" giữa Nga và phương Tây không, tức Ukraine nên trung lập, giữ mối quan hệ tốt với cả Nga lẫn phần còn lại.
Điều kiện cần cho phương án ấy đã không xảy ra. Sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" (với lý do bị đe dọa), Ukraine đã cấp tốc xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO.
"Vùng đệm" ngoài ra cũng có khả năng là lá bài mới nhất Nga tung ra trong trường hợp hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Một số luồng ý kiến trước đây từng phân tích rằng để tìm một giải pháp hậu chiến cho Nga và Ukraine, các bên có thể tham khảo mô hình "đình chiến" của Hàn Quốc và Triều Tiên.
Theo đó hai bên sẽ không chấm dứt chiến sự, chưa thống nhất về biên giới, nhưng sẽ ngừng bắn trong "tình trạng chiến tranh".
Giải pháp này, kèm theo một "vùng đệm", có thể hữu ích trong bối cảnh Ukraine không bao giờ chấp nhận mất đất, còn Nga giờ đây cũng tuyên bố 4 vùng sáp nhập là "lãnh thổ Nga".
Mặc dù vậy, Ukraine không phải bán đảo Triều Tiên, và chặng đường tiến tới một giải pháp ngưng tiếng súng trong trường hợp này được dự báo vô cùng trắc trở. Đáp lại chuyện vùng đệm, Ukraine đã nhìn nhận đây chẳng khác nào một bước leo thang chiến sự của Nga, và rằng Nga không tôn trọng chủ quyền tuyệt đối của các nước khác.
Thực tế chuyện "vùng đệm" không mới. Ít nhất từ tháng 3-2023, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng nhấn mạnh Nga cần đạt mọi mục tiêu đề ra nhằm "bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi".
Ông nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga: "Chúng tôi cần... loại bỏ những người nước ngoài ở đó theo nghĩa rộng của cụm từ này, tạo ra một vùng đệm vốn không cho phép sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào hoạt động trong tầm trung và ngắn, từ 70 - 100km, để phi quân sự khu vực ấy".
Điện Kremlin nói cách duy nhất để bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi các cuộc tấn công của Ukraine là tạo ra một vùng đệm với nước láng giềng.