Kỳ lạ, bất cập "nhà không số, phố không tên" lại nằm ở các khu đô thị mới, hạ tầng hiện đại nhất TP Quảng Ngãi. Người dân khốn khổ, nhất là thời đại thương mại điện tử, việc ship hàng trở thành nỗi khốn khổ cho người dân.
"Nhà không số, phố không tên tập trung ở khu đô thị mới"
Khu đô thị An Phú Sinh, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi hình thành từ chục năm trước, nhưng từ đó đến nay những tuyến đường hạ tầng đầy đủ, chỉ thiếu mỗi "tên đường".
Hiện tại người dân sống ở khu đô thị An Phú Sinh có số nhà không theo trật tự nào. Như tuyến đường dài khoảng 300m nhưng bên này đang N1.1, bên kia lại N1.2. Rồi đoạn N1.3, chỗ N1.4.
Chị Nga Phước, người thường xuyên mua hàng trên thương mại điện tử, than trời: "Đường này đầu khu đô thị An Phú Sinh dễ kiếm nhất. Vậy mà nhiều lần shipper vẫn gửi nhầm hàng khi tuyến đường song song cũng có số nhà tương tự".
Khu đô thị An Phú Sinh được quy hoạch rộng đến 50ha, với nhiều tuyến đường đã hoàn thiện, dân cư sinh sống kín mít nhưng chẳng có tên đường, số nhà đúng chuẩn. Người dân thường xuyên phải chỉ đường cho shipper, taxi.
Dù vậy, việc chỉ đường cũng không dễ dàng khi số nhà ở khu đô thị này được chủ đầu tư đặt theo lô đất họ phân ra bán.
Tương tự, khu đô thị Tây Phan Đình Phùng (phường Nghĩa Lộ) cũng chỉ vài tuyến đường chính có tên đường.
Chị Ánh, sống ở khu đô thị này, nói: "Sống ở đây tiện ích đủ nhưng riêng tên đường, số nhà thì thua cả ở đường hẻm. Riết rồi tôi cũng lười mua hàng trên mạng, vì hướng dẫn shipper quá mệt".
Cạnh khu đô thị Tây Phan Đình Phùng là khu tái định cư đường Trường Chinh, một đoạn đường nhà cửa san sát nhưng không có số nhà, tên đường. Hiện tại, phương án bà con ở đây hướng dẫn người khác đến nhà mình là nhờ kết nối Zalo để gửi định vị.
Shipper mệt mỏi, chủ quán ăn từ chối bán hàng
Anh Đạt, shipper của một đơn vị giao hàng toàn quốc tại TP Quảng Ngãi, cho biết không chỉ anh mà rất nhiều đồng nghiệp thấy đơn ở các khu đô thị mới là "ớn óc".
Nếu ship hàng ở các khu cũ và hẻm phố có số nhà rõ ràng một ngày có thể giao cả trăm đơn, thì ở khu mới giao được khoảng nửa số đó là quá giỏi.
"Thậm chí có tên đường như đường Phan Thái Ất (khu đô thị Ngọc Bảo Viên, phường Nghĩa Lộ) nhưng tìm được số nhà cũng là cả vấn đề, bởi số nhà thay đổi liên tục, mỗi đoạn một số. Thậm chí đường Phan Thái Ất 1, hay Phan Thái Ất 2 cũng là vấn đề", anh Đạt nói.
Hiện tại, các khu đô thị mới, khu chỉnh trang đô thị, khu tái định cư... ở TP Quảng Ngãi chung tình trạng "nhà không số, phố không tên". Thậm chí, rất nhiều tuyến trắng tên đường, số nhà. Nhiều chủ bán quán ăn ở TP Quảng Ngãi bảo rằng rất "ám ảnh" khi nhận đơn hàng ở những khu này.
Một "kỷ niệm" nhớ đời của anh Chí khi ship đồ ăn trưa cho khách ở khu đô thị An Phú Sinh, khách đặt 10 hộp đồ Hàn ăn trưa từ 11h, quán chuẩn bị xong và di chuyển lúc 11h30. Nhưng nhân viên quán quần thảo tìm số nhà mãi đến 12h30 không ra, dù khách và quán chủ động hướng dẫn.
"Khách nhận cơm quá muộn trách cứ quán làm ăn tệ. Tôi phải trực tiếp xin lỗi. Sau lần đó, quán tôi từ chối ship hàng cho khu An Phú Sinh", anh Chí nói.
Nhiều chủ quán ăn khác cũng chọn "từ chối" đối với những địa chỉ "gần nhà xa ngõ". Chị Nguyệt, bán đồ ăn sáng ở TP Quảng Ngãi, nói mình ship đồ ăn sáng chuyên nghiệp, nhưng cũng không dám nhận những khu này. Nguyên nhân là quán nhiều lần bị đánh giá tệ chỉ vì tìm mãi không ra địa chỉ khách.
"Thà mất khách trước mắt, còn hơn ảnh hưởng đến buôn bán lâu dài. Nhất là shipper của quán nhiều khi cũng đổ bực cãi "tay đôi" với khách", chị Nguyệt nói.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi cho biết đã thấy những bất cập này và đang đề nghị UBND các phường và chủ đầu tư các dự án có đề xuất để đặt tên đường, tránh phiền toái cho người dân.
Đó là những số nhà gây choáng váng, kiểu như 92/34/20 (số mới) được gắn cạnh bên số cũ 92/10/20/27/11.