Ngày 20-3, tại phiên tòa xét xử cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 13 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu, nhiều cấp dưới của bị cáo Đỗ Anh Dũng cho biết, bản thân và gia đình cũng là “bị hại” trong vụ án.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Công ty Soleil) trình bày rằng con trai, con dâu của bị cáo mua hơn 1 tỷ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh, cháu bị cáo cũng mua hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Hồng Sơn đã thực hiện chỉ đạo của Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) ký hợp thức báo cáo tài chính, biên bản họp, nghị quyết của Công ty Soleil về chủ trương phát hành trái phiếu; hợp đồng hợp tác đầu tư các lô đất tại Dự án Khu phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc để làm hồ sơ phương án phát hành 3 gói trái phiếu SOL1-2-3 của Công ty Soleil và giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt số tiền 1.891 tỷ đồng của bị hại.
Cáo trạng cũng xác định, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐTV, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Bất Động sản Ngôi Sao Việt, và là Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh; Tổng giám đốc Công ty Ngôi Sao Việt) là người thực hiện chỉ đạo của Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng) ký hợp thức báo cáo tài chính, biên bản họp, nghị quyết của Công ty Ngôi Sao Việt về chủ trương phát hành trái phiếu.
Bị cáo Hùng còn ký hợp đồng hợp tác mua cổ phần Công ty Việt Tiến và hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Nam Đại Cồ Việt để làm hồ sơ phương án phát hành 2 gói trái phiếu. Bị cáo Hùng đã giúp sức cho Đỗ Anh Dũng chiếm đoạt số tiền 2.671 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Đứng trước tòa, bị cáo Hùng khai, dù giữ chức Chủ tịch Công ty Ngôi Sao Việt nhưng mọi hoạt động của công ty đều do ông Đỗ Anh Dũng quyết định. Bị cáo Hùng không được tham gia họp bàn các công việc, các vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
Quá trình làm việc, bị cáo Hùng chỉ được hưởng lương, thưởng của người lao động, không được thỏa thuận lợi ích nào khác. Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao không được họp bàn mà vẫn ký các hợp đồng, bị cáo Hùng khai, do tin tưởng Đỗ Anh Dũng nên ký hồ sơ vì lúc đó công ty trong giai đoạn khó khăn.
Theo bị cáo Hùng, bản thân chỉ nghĩ phát hành trái phiếu là kênh huy động để có dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và có lợi cho nhà đầu tư. Từ trước đến nay, Tân Hoàng Minh chưa bao giờ có đơn từ của nhà đầu tư về chậm trả lãi hay không trả lãi và bị cáo thấy công ty hoạt động tốt.
Bị cáo Hùng còn khai, bản thân và gia đình bị cáo, bố mẹ, em, mẹ vợ, họ hàng, người thân cũng mua trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành.
Trước lời khai của thuộc cấp, bị cáo Đỗ Anh Dũng thừa nhận mình là người quyết định để ông Hùng làm Chủ tịch Công ty Ngôi Sao Việt. Về các công việc của công ty này, có phần do ông Dũng quyết định, có phần bị cáo ủy quyền cho Hùng giải quyết.
Vẫn theo lời khai của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, việc phát hành trái phiếu là trách nhiệm của Chủ tịch Tập đoàn, nhưng các thành viên, phòng ban cũng có trách nhiệm. Việc phát hành trái phiếu là hoạt động kinh doanh bình thường, khi hoàn thành công việc tốt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thì có thể được hưởng theo hiệu quả, theo tháng, theo năm.
Theo cáo trạng, để bán trái phiếu rộng rãi ra cho người dân (hầu hết không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp), “lách” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, vào tháng 7/2021, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc tập đoàn; giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu.
sau khi phát hành 9 gói trái phiếu, Công ty Tân Hoàng Minh đã thu được tổng cộng hơn 13.972 tỷ đồng, cao hơn giá trị phát hành do chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc, mua đi bán lại nhiều lần cao hơn giá trị phát hành.
Do tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định của pháp luật, có dòng tiền đầu tư thật vào dự án, báo cáo tài chính trung thực, Công ty Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có thương hiệu nên nhiều người dân đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu (thực chất là mua trái phiếu).
Trả lời thẩm vấn tại tòa, cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều thừa nhận, đa phần số tiền huy động được từ các nhà đầu tư không được sử dụng đúng mục đích.
Cáo trạng xác định, số tiền đã huy động từ việc bán trái phiếu được ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng như sau:
Dùng tiền của người/hợp đồng mua trái phiếu sau để trả cho người/hợp đồng mua đến hạn trước, với số tiền hơn 5.165 tỷ đồng.
Trả nợ gốc, lãi vay của các ngân hàng, tổng cộng hơn 1.976 tỷ đồng.
Thanh toán tiền mua cổ phần, dự án, tạm ứng, đặt cọc với tổng số tiền hơn 4.568 tỷ đồng.
Thanh toán các chi phí của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tổng số tiền hơn 929 tỷ đồng.
Chuyển tiền sử dụng theo các mục đích cá nhân của ông Đỗ Anh Dũng như đầu tư chứng khoán, trả nợ cá nhân, mua bán USD… tổng số tiền hơn 801 tỷ đồng.
Thanh toán tiền lãi và hoa hồng trái phiếu với số tiền hơn 316 tỷ đồng.
Số dư còn lại trên tài khoản Công ty Tân Hoàng Minh tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 214 tỷ đồng (Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hồi số tiền này sau khi khởi tố vụ án).
Như vậy, ngoài 214 tỷ đồng còn dư, toàn bộ số tiền đã huy động từ việc phát hành, bán trái phiếu trái quy định pháp luật được ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo các bị cáo, cá nhân liên quan tại Công ty Tân Hoàng Minh sử dụng hết, không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu.
Có mặt tại toà, các bị hại đều mong muốn được trả lại số tiền đã đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Có người còn mong được trả cả gốc và tiền lãi, lãi phạt.
Một luật sư của bị hại hỏi bị cáo Đỗ Anh Dũng có định dùng số tiền 8.644 tỷ đồng đã nộp khắc phục hậu quả để trả cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, HĐXX cho biết, vấn đề này sẽ do Toà án giải quyết.