Đáp ứng phục vụ khai thác các tàu có tải trọng lớn
Theo UBND TPHCM, mục tiêu quan trọng của Đề án nhằm làm cơ sở định hướng lộ trình triển khai đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng kỹ thuật kết nối với cảng và các vấn đề liên quan đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phát huy hiệu quả và bền vững.
Được biết, hiện ở khu vực Đông Nam Bộ có cảng biển nhóm số 4 - gồm 5 khu cảng biển với 112 bến cảng (40,72km cầu cảng); năm 2022 đạt 291,9 triệu tấn (chiếm 40,3% cả nước); tăng trưởng bình quân 10,9%/năm giai đoạn 2015 - 2022. Riêng cảng biển TPHCM có 43 bến cảng (14,5km cầu cảng); năm 2022 đạt 161 triệu tấn (chiếm 55,1% Nhóm 4); tăng trưởng bình quân trên 9,1%/năm giai đoạn 2015-2022. Theo đó, cảng biển Nhóm 4 đạt khoảng 58% so với công suất quy hoạch đến năm 2030 (461 - 540 triệu tấn). Còn cảng biển TPHCM, so với quy hoạch đến năm 2030 (160 triệu tấn) đã vượt khoảng 1%. Riêng hàng container đã vượt dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng theo quy hoạch đến năm 2020 (6,56 triệu Teu), chiếm khoảng 22,5%, so với quy hoạch đến năm 2030 (8,44 triệu Teu) đạt khoảng trên 95%.
Dự báo trong giai đoạn 2022-2030, tổng lượng hàng thông qua cảng biển TPHCM tăng trưởng bình quân từ 5,3% (kịch bản tăng trưởng thấp) đến 7,3%/năm (kịch bản tăng trưởng cao).
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam chủ yếu là hàng hóa xuất nhập khẩu của VN, trong đó hàng hóa trung chuyển quốc tế chiếm khoảng dưới 5%, chủ yếu hàng hóa của Campuchia được trung chuyển tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Việt Nam đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng) nhưng hiện chưa có nhà đầu tư là hãng tàu lớn trên thế giới tham gia đầu tư với mục tiêu thực hiện trung chuyển quốc tế (điều kiện rất quan trọng để hình thành cảng trung chuyển quốc tế) nên mới chỉ thực hiện chức năng cảng cửa ngõ phục vụ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Do đó, việc quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là rất cấp thiết và phù hợp với xu thế toàn cầu - cần phải có các cảng biển đảm bảo về độ sâu luồng hàng hải, cầu cảng, thiết bị bốc xếp hàng hóa hiện đại để đáp ứng phục vụ khai thác các tàu có tải trọng lớn.
Định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải quốc tế
Việc đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ mang lại những tác động kinh tế- xã hội rất lớn cho TPHCM và huyện Cần Giờ nói riêng, với dự đoán sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động.
Ngoài ra, khi Cảng đi vào hoạt động sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam Bộ; tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên Thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Về tầm nhìn quốc gia, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian; phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á; thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia; song song đó bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng hiện hữu, tương hỗ, khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4; mở ra cơ hội đưa khu vực này (cả khu Cái Mép Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế của thế giới.
Tuy nhiên, theo quan điểm của UBND TP, việc đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng cần phải đảm bảo đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng cho biết: Định hướng nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM với tổng diện tích ước tính khoảng 571ha trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP và khu vực, chắc chắn sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, gồm: tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính), giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại. Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu phát triển các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ (khu nhà ở cán bộ, người lao động, chuyên gia, khu nhà làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước về cảng biển, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành...) cũng như định hướng nghiên cứu xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, về mặt công nghệ khai thác các thiết bị vận hành bốc xếp container tại Cảng sẽ sử dụng thiết bị chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.