Bị cáo Trương Mỹ Lan xem lại hồ sơ trước khi tự bào chữa cho bản thân. (Ảnh: Hoàng Giang)
Chiều ngày 20/3, phiên toà xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), và các tổ chức khác tiếp tục với phần tranh luận.
Sau phần trình bày quan điểm bào chữa của các luật sư vào buổi sáng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tiến hành phần tự bào chữa bổ sung cho bản thân.
Trình bày tại tòa, bị cáo Lan cho biết, khi Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) nói bà quanh co, đổ tội cho cấp dưới, bà rất đau xót. Bởi khi vụ án xảy ra thì bản thân bà rất đau xót cho những anh em làm việc tại Ngân hàng SCB. Những người này cũng vì sự tồn tại của Ngân hàng SCB mà vô tình vi phạm điều cấm.
Đồng thời, bị cáo này cũng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tạo điều kiện để bà gặp gỡ một số tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài để giúp đỡ bị cáo khắc phục hậu quả.
Tiếp tục phần trình bày của mình, bà Lan đề nghị HĐXX xem xét lại tên của bà và tên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì chưa hề liên quan gì đến Ngân hàng SCB. Liên quan đến số tiền mà cáo trạng cáo buộc bà chiếm đoạt, bà Lan đề nghị cho đối lưu lại dòng tiền của Ngân hàng SCB. Bởi cáo trạng và cơ quan cảnh sát điều tra chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) để xác định số tiền thiệt hại là chưa chuẩn xác.
Hơn nữa, bị cáo Dung cũng khai, chỉ trong vòng 2 năm, Ngân hàng SCB cho bà vay số tiền mấy trăm nghìn tỷ.
“Kính mong HĐXX xem xét lại là số tiền đó đưa cho tôi bao nhiêu, hoặc đưa cho Vạn Thịnh Phát như thế nào… Mong HĐXX tạo điều kiện cho tôi làm rõ số tiền này”, bà Lan nói.
Ngoài những nội dung trình bày ở trên, bà Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét lại phần định giá của Công ty định giá Hoàng Quân. Bởi thời gian mà Công ty Hoàng Quân tiến hành định giá tài sản cách rất xa so với thời điểm thực tế.
“Mong HĐXX xem xét thật kỹ về số tiền bị coi là tôi đã chiếm đoạt. Viện kiểm sát luận tội như thế đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi và gia đình tôi. Tâm lý và sức khoẻ của tôi cũng bị ảnh hưởng”, bà Lan nói.
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, ngày 3/1/2023 Ngân hàng SCB ký hợp đồng thuê Công ty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân thực hiện định giá tài sản của SCB.
Theo luật sư Thanh, mục đích của việc thẩm định giá là để xác định giá trị thị trường của các tài sản tại thời điểm 30/9/2022. Tuy nhiên, ở đây các chứng thư thẩm định giá lại được sử dụng như kết luận giám định trong tố tụng hình sự để đánh giá thiệt hại của SCB. Điều này khác hoàn toàn với mục đích ghi trong chứng thư.
“Để có thể xác định hành vi của bà Trương Mỹ Lan có gây thiệt hại cho SCB hay không, có chiếm đoạt tiền của SCB hay không thì phải trưng cầu cơ quan chuyên môn thực hiện việc giám định. Chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân không thể thay thế kết luận giám định của cơ quan chuyên môn”, luật sư lập luận.
Cũng theo luật sư, cáo trạng quy kết tính đến ngày 17-10-2022, bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại 194.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của Ngân hàng SCB.
Số tiền này chưa trừ đi hơn 74.300 tỷ đồng mà Công ty Hoàng Quân đã định giá 206 mã tài sản, cũng như giá trị của 440 mã tài sản chưa được định giá. Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan bị bắt ngày 6/10/2022, do đó những khoản phát sinh từ ngày 7/10/2022 đến ngày 17/10/2022 không thể buộc bà Lan phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Thanh nhận định, chính vì số tiền thiệt hại/chiếm đoạt trong vụ án này không được trưng cầu và kết luận giám định theo đúng pháp luật tố tụng hình sự nên số liệu còn nhiều bất cập, dẫn đến khả năng SCB không bị thiệt hại, bị chiếm đoạt nhiều như cáo trạng xác định.
Các Luật sư khác bào chữa cho bị cáo Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh của bị cáo mà Viện kiểm sát đã truy tố.