Dù hết nhiệm kỳ đã 2 năm nay nhưng nhà chung cư nơi người chị tôi cư trú vẫn chưa thể bầu ra ban quản trị (BQT) mới do những người trong BQT cũ cứ kiếm cớ trì hoãn liên tục.
Theo quy trình, lúc đề cử ứng viên, chính quyền địa phương xác minh lý lịch, công khai danh sách, việc này có khi kéo dài 3-4 tháng. Vậy mà đến gần ngày hội nghị nhà chung cư, các ứng viên thay nhau rút lui (do các kiểu áp lực, thậm chí có người bắn tiếng hăm dọa).
Cứ vài lần như vậy thì chẳng còn ai mặn mà tham gia ứng cử. Trong khi đó, nhiều năm qua cư dân không biết rõ tiền quỹ từ ngày chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì là bao nhiêu, gửi ở ngân hàng nào, lãi suất bao nhiêu.
Một đồng nghiệp của tôi kể chung cư nơi anh ở có trưởng ban quản trị là tổ trưởng dân phố, các thành viên đều là cán bộ hưu trí không có chuyên môn bảo trì sửa chữa, phó ban là đại diện của chủ đầu tư muốn làm gì thì làm. Từ mua sắm, đấu thầu cho đến chi tiêu, sổ sách đều do người này mặc tình thao túng.
Mới đây nhất, việc sơn lại toàn bộ chung cư tốn hết cả chục tỉ đồng dù tòa nhà vẫn còn mới khiến cư dân bức xúc và yêu cầu bầu lại BQT mới. Việc bầu cử đã bất thành bởi nhiều lý do, trong đó có việc không đủ số người để tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định. Rốt cuộc, chung cư có BQT nhưng cũng như không khi họ không thể đại diện cho quyền lợi của cư dân.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt trong bối cảnh hiện nay. Không ít trường hợp BQT "bắt tay" với chủ đầu tư khiến cư dân càng thêm khốn đốn. Một số BQT nhà chung cư đã không làm tròn trách nhiệm, làm việc thiếu năng lực, thiếu minh bạch để tư lợi cho bản thân. Không loại trừ khả năng các nhóm lợi ích cố tình tạo nên sự lộn xộn ở các chung cư, bằng mọi cách để được bầu vào BQT.
Không ít nơi "quyền" của BQT tập trung vào một, hai người. Những người này thậm chí không sinh sống ở đó nhưng lại là người quyết định thu chi với quỹ bảo trì. Từ việc sửa chữa lớn nhỏ đến các dịch vụ có thu phát sinh thu nhập và lợi ích không nhỏ.
Cũng không còn lạ với việc những người thầu dịch vụ ở chung cư... đều là "người quen" của một vài thành viên BQT. Tại rất nhiều chung cư đang có tình trạng BQT dễ bị lung lạc hoặc không minh bạch thu chi hàng trăm tỉ đồng quỹ bảo trì, quyết định việc sửa chữa ở chung cư, mua sắm thiết bị, các dịch vụ quảng cáo, tầng hầm giữ xe máy, rửa xe...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1.000 chung cư, nhưng vẫn còn gần 200 chung cư chưa thành lập được BQT theo luật định. Hơn 40 chung cư còn đang tranh chấp quỹ bảo trì, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn khiến các sở ngành, chính quyền địa phương mất rất nhiều nguồn lực để giải quyết.
Cần có tiêu chí chọn người có năng lực
Luật Nhà ở năm 2014 không quy định điều kiện, tiêu chuẩn thành viên BQT nhà chung cư, trong khi thông tư số 28/2016 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định rất sơ lược và đơn giản. Theo đó, thành viên BQT chỉ phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn là chủ sở hữu và đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc được chủ sở hữu ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư.
Các quy định pháp luật hiện nay chưa có một định nghĩa rõ ràng và đúng với vai trò BQT chung cư. Trong khi đó, vì không thể đáp ứng cả hai yêu cầu vừa là tổ chức dân chủ cơ sở vừa là một tổ chức chuyên môn nên trong hoạt động của các BQT đã xảy ra nhiều bất cập.
Nếu BQT được bầu công khai, tiêu chí rõ ràng chọn được những người có năng lực và uy tín, sau đó tổ chức đấu thầu chọn đơn vị vận hành, quản lý chuyên nghiệp thì cư dân sẽ rất an tâm và sẽ hạn chế xảy ra xung đột với BQT như hiện nay.
Đến nay, ban quản trị chung cư 24AB, phường 25, quận Bình Thạnh vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan thi hành án về việc mở lại nước sinh hoạt cho cư dân.