Hàng tỷ USD kiều hối đã đổ vào bất động sản
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy tình hình và làm sôi động thị trường.
Theo báo Đầu Tư, theo các chuyên gia, việc Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một động thái tích cực. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi dòng kiều hối trong năm 2023 đạt mức hơn 16 tỷ USD. Riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đã lên tới gần 9,5 tỷ USD.
“Ngành bất động sản Việt Nam mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây. Xếp trong các nước châu Á, chúng ta vẫn còn đi sau khá nhiều. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn ‘vàng’ và cần trân trọng mọi cơ hội để đẩy nhanh phát triển. Trong đó, lượng kiều hối là một nguồn lực đặc biệt quan trọng và không hề thua kém khi so với lượng vốn FDI giải ngân”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, chia sẻ.
Ngoài ra, ông Điệp cho rằng, các cơ chế chính sách mới cần phải đề cao sự linh hoạt, cởi mở và thông thoáng. Với các quy định hiện hành, nhiều điểm nghẽn vẫn đang tồn đọng, đặc biệt là trong vấn đề pháp lý.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỷ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.
Trong đó, dòng kiều hối chảy về lĩnh vực bất động sản là một con số không hề nhỏ. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 - 20% số tiền từ các Việt kiều gửi về nước đang được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Theo Savills, nếu quy đổi sang sản phẩm, lượng tiền này tương đương với giá trị của 10.000 căn hộ mỗi năm.
“Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật Đất đai mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, bình luận.
Phân tích sâu hơn về chân dung nhóm người mua Việt kiều, vị chuyên gia cho biết, phần lớn trong số họ đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài lâu năm, hiện họ đang sở hữu một lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, một số người khác lại mua bất động sản để phục vụ việc an cư tại quê hương.
Bên cạnh đó, ông Troy Griffiths cho rằng, việc Việt kiều “rộng cửa” mua nhà, đất trong nước sẽ là động lực thu hút nhiều nhân tài quay trở về Việt Nam cống hiến. Khi đó, thị trường không chỉ đón nhận thêm dòng vốn, mà còn hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp đất nước ngày càng phát triển.
Theo Thời báo Tài Chính, ông Nguyễn Trọng Toàn - quản lý Bộ phận Đầu tư, Savills Hà Nội nhận định: "Việt Nam thể hiện sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị mà còn trong bối cảnh vĩ mô, nơi kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được Nhà nước kiểm soát ổn định hơn trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực. Do vậy, với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại những vị trí và phân khúc có dư địa phát triển tốt”.
Ông Toàn nhận định, mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.
Vẫn còn những băn khoăn
Theo Người Lao Động, thông tin từ ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS (HoREA), không chỉ Luật Đất đai (sửa đổi) mà Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2023 khi có hiệu lực sẽ tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh BĐS. Từ đó, giúp thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết hiện khoảng 4 triệu người bao gồm người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam sẽ thu hút người nước ngoài đến sinh sống, làm việc lâu dài. Đó là cơ hội cho các chủ đầu tư BĐS phát triển hằng năm.
Mặc dù nhìn nhận các luật mới có nhiều điểm tích cực trong việc thu hút đầu tư, cơ hội gia tăng thanh khoản cho thị trường BĐS nhưng một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng: "Từ trước đến nay, dù nhận thức được việc khách hàng có yếu tố nước ngoài mua nhà sẽ tăng cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp nhưng vì khó khăn trong thủ tục mua bán và những hạn chế trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho đối tượng khách hàng này nên doanh nghiệp gặp khó khăn về việc thu 5% giá trị hợp đồng còn lại. Vì thế, các doanh nghiệp BĐS chủ yếu tập trung bán cho khách hàng người Việt với nhu cầu nhà ở vẫn còn cao".
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho biết ngoài những điểm mới, tích cực, luật hiện tại vẫn còn một số vướng mắc như vấn đề cấp sổ hồng cho người nước ngoài, bao gồm cả Việt kiều đã mua căn hộ tại Việt Nam. Ông Châu dẫn thống kê từ 17 doanh nghiệp BĐS đến năm 2020, có 14.000 người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam mà chưa được cấp sổ hồng riêng. Trong số này, tại TP HCM có 11.000 căn.
Ngoài ra, còn một trở ngại nữa liên quan người nước ngoài là Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) vẫn chưa cho người nước ngoài được sở hữu quyền sử dụng đất do có liên quan đến quy định nhà ở gắn liền đất ở, căn hộ chung cư có thời hạn sử dụng…
Đào Vũ (T/h)