Điểm rèn luyện là nội dung khiến nhiều sinh viên kêu ca bởi tính hình thức. Trong nhiều tiêu chí cộng, trừ điểm rèn luyện, có tiêu chí đóng học phí. Đóng học phí đúng hạn được cộng hoặc không cộng, nhưng trễ hạn sinh viên sẽ bị trừ điểm rất nặng.
Rèn luyện liên quan gì học phí?
Tiêu chí học phí được các trường đại học xếp trong nội dung "ý thức chấp hành nội quy, quy chế, quy định trong nhà trường".
Điều đáng nói là không phải trường đại học nào cũng đưa tiêu chí này vào nội dung đánh giá rèn luyện. Các đại học như Kinh tế TP.HCM, Kinh tế quốc dân, Giao thông vận tải, Cần Thơ... không có tiêu chí cứng về học phí khi đánh giá rèn luyện sinh viên.
Nói về việc không đưa tiêu chí học phí vào điểm rèn luyện, ông Nguyễn Văn Đương - trưởng phòng chăm sóc và hỗ trợ người học Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng mỗi sinh viên có điều kiện kinh tế gia đình khác nhau, không tương đồng. Do đó học phí là vấn đề nhạy cảm nên trường không đưa tiêu chí này vào đánh giá rèn luyện sinh viên.
Trong khi đó nhiều trường đại học áp dụng quy định này vào việc đánh giá ý thức của sinh viên. Trong đó, Trường đại học Tài chính - Marketing, Trường đại học Sư phạm TP.HCM cộng 3 điểm rèn luyện cho sinh viên đóng học phí đúng hạn. Các trường đại học này không trừ điểm sinh viên đóng trễ hạn.
Nghiêm ngặt hơn, nhiều trường còn trừ điểm rất nặng sinh viên đóng học phí trễ hạn. Chẳng hạn Trường đại học Y Dược TP.HCM quy định sinh viên đóng học phí trễ hạn bị cho 0 điểm và xử lý theo quy chế công tác sinh viên.
Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trừ từ 8 đến 16 điểm đối với sinh viên đóng học phí trễ hạn, tùy mức độ. Trường đại học Ngoại thương trừ 10 điểm, Trường đại học Công Thương TP.HCM trừ 5 điểm...
Thông tư 16/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá kết quả rèn luyện của người học chỉ nêu các nội dung cơ bản, không quy định chi tiết các tiêu chí như học phí.
Giải thích về sự liên quan giữa việc đóng học phí và điểm rèn luyện, ông Lê Trung Đạo - phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing - cho biết đó là cách đánh giá ý thức chấp hành quy định của sinh viên.
"Trường ra thông báo về học phí và thời hạn đóng rất lâu. Tuy nhiên có nhiều sinh viên không chấp hành. Có trường hợp cố vấn học tập gọi phụ huynh thì được biết họ đã đưa tiền đóng học phí cho con. Sinh viên khó khăn nếu làm đơn gia hạn vẫn được ghi nhận bình thường" - ông Đạo cho biết.
Ông Đạo cũng nói thêm rằng trước đây quy định điểm rèn luyện của trường khá khó nhưng với quy định mới, sinh viên chỉ cần tham gia hoạt động bình thường cũng có thể đạt điểm rèn luyện trung bình.
Tương tự, ông Trần Thanh Thưởng - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - giải thích rằng từ đầu khóa sinh viên đã được giới thiệu các quy định của trường.
Việc trừ điểm rèn luyện sinh viên đóng học phí trễ để nhắc nhở các bạn về chấp hành quy định. Riêng sinh viên khó khăn trường có quỹ hỗ trợ.
Điểm danh để có điểm rèn luyện
Điểm rèn luyện là nội dung khiến nhiều sinh viên đau đầu. Một sinh viên Trường đại học Luật TP.HCM cho biết mỗi khi trường có sự kiện, sinh viên phải xếp hàng dài từ ngoài sân lên cầu thang để vào hội trường điểm danh. Có bạn chạy 10km lên trường chỉ để điểm danh nhằm được chấm điểm rèn luyện, rồi tìm cách về sớm.
Tương tự, một sinh viên khác băn khoăn có ai thấy được lợi ích thực sự của việc kiếm điểm rèn luyện không? Nếu không kiếm đủ 50 điểm rèn luyện 2 kỳ liên tiếp sẽ bị cảnh cáo mức độ 2 (học kỳ kế tiếp chỉ được học 8 tín chỉ).
"Với tôi điểm rèn luyện là một thứ rất vô nghĩa. Một số sự kiện kiếm điểm rèn luyện như "sinh hoạt công dân" chỉ việc bật màn hình lên rồi đi ngủ. Khảo sát sinh viên thì điền bừa không thèm đọc, từ đó cho thấy sự vô nghĩa của điểm rèn luyện" - sinh viên này nói.
Trong khi đó, nhiều sinh viên cho rằng ích lợi hay không do tâm thế tham gia của mỗi người. Nếu tham gia chỉ để lấy điểm rèn luyện sẽ thấy nó vô bổ. Nếu tham gia với tâm thế học hỏi cái mới, cái hay từ người khác thì nó sẽ bổ ích. Tham gia các hoạt động cũng là một hình thức học, chứ không phải chỉ có kiến thức trong sách.
Sinh viên khổ sở kiếm điểm rèn luyện ngoài việc để không bị cảnh cáo, bị hạn chế đăng ký học phần mà còn vì học bổng. Điểm rèn luyện là một trong những tiêu chí cần và đủ khi xét học bổng khuyến khích học tập của các trường.
Ông Nguyễn Văn Đương cho biết vì là học bổng khuyến khích học tập nên kết quả học tập sẽ được xét đầu tiên và lấy từ cao xuống thấp đến khi hết học bổng. Trong trường hợp nhiều sinh viên có điểm học tập bằng nhau, ai có điểm rèn luyện cao hơn sẽ được xét.
Học tốt mà thiếu kỹ năng
Đánh giá về tính hình thức hay bổ ích của việc đánh giá điểm rèn luyện sinh viên, ông Trần Thanh Thưởng cho rằng nếu trường tổ chức sự kiện nhưng không làm tốt sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên đi cho có để kiếm điểm rèn luyện mà không tập trung vào nội dung, học hỏi cái mới, cái hay.
Ở Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sau mỗi hoạt động rèn luyện kỹ năng đều có khảo sát ý kiến sinh viên để khắc phục những hạn chế, bổ sung những nội dung sinh viên cần cho lần sau.
"Sinh viên thấy thực sự phù hợp và có ích họ sẽ tham gia chủ động, tương tác, nhiệt tình học tập. Thực tế có không ít sinh viên học rất tốt nhưng không có kỹ năng nên không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp" - ông Thưởng nói.
Thay vì chủ động đăng ký những nội dung phù hợp với ngành học và sở thích, không ít bạn buộc phải tham gia một số chương trình và hội thảo tréo ngoe dù không muốn để có điểm rèn luyện tốt, và điều này cũng trở thành một áp lực.