Ngày 20-3 theo giờ địa phương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất quanh mức 5,25% - 5,5%.
Fed cũng dự kiến tiến hành 3 đợt cắt giảm 0,25 điểm % trong năm 2024. Một kịch bản khác, Mỹ có thể duy trì mức lãi suất hiện tại lâu hơn nếu cần.
Việt Nam bớt áp lực tăng lãi suất trở lại
Nói với Tuổi Trẻ Online, PGS Trương Thị Thùy Dương - Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - cho rằng quyết định của Fed sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng lãi suất tại Việt Nam.
Trước hết, việc ngừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất quốc tế ổn định hơn, giảm bớt áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam. Các ngân hàng có dư địa, củng cố thêm xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Song bà Dương lưu ý tác động của quyết định trên với lãi suất còn phụ thuộc vào các biến động kinh tế khác nhau, gồm cả tình hình lạm phát và tăng trưởng của Việt Nam.
Cập nhật đến ngày 21-3, lãi suất tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục đà giảm, dù đã ở mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, thanh khoản dư thừa, lãi suất huy động vẫn chưa tìm thấy điểm "chạm đáy" khi nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh ở các kỳ hạn tiền gửi.
Ngoài ra, việc Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản cũng như dự kiến 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 cũng sẽ có tác động tới tỉ giá.
Ở góc độ tích cực, bà Dương nói trước hết, động thái của Fed sẽ góp phần giảm áp lực mất giá đồng Việt Nam (VND), giúp tỉ giá VND/USD ổn định trong thời gian tới.
Tỉ giá ổn định sẽ có lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam.
Sau khi lãi suất đồng USD thực sự giảm do Fed cắt lãi suất, điều này cũng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư tích cực hơn cho Việt Nam. Cung ngoại tệ vì vậy sẽ gia tăng trên thị trường và có tác động hạ nhiệt tỉ giá, ông Dũng nhận định.
Tỉ giá còn đáng lo?
Tuy nhiên, theo dõi diễn biến tỉ giá tại Việt Nam cũng cần nhìn chéo sang thị trường vàng. Trong khi quyết định của Fed về lãi suất ngay lập tức tạo thêm lực mua mới trên thị trường vàng.
Cụ thể, giá vàng thế giới giao ngay ngày 20-3 lập kỷ lục mới khi chạm mốc 2.210 USD một ounce. Trước đó, giá vàng thế giới lập đỉnh mọi thời đại vào hôm 8-3 khi leo mốc 2.195 USD.
Nói với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết khi giá vàng tăng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực lên tỉ giá USD - VND càng mạnh, đặc biệt ở thị trường tự do.
Khảo sát tại một số điểm thu mua ngoại tệ, giá USD chợ đen hôm nay (21-3) đã leo lên mốc 25.511 - 25.591 đồng/USD (mua và bán), tiếp tục tăng 11 đồng so với phiên trước và giữ chênh lệch 650 đồng với giá niêm yết bán ra tại ngân hàng.
Trước đó, việc Fed duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài đã tạo ra mức chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường, từ đó đặt ra những áp lực nhất định trong việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với biến động tỉ giá.
Dù vậy chuyên gia ngân hàng Trương Thị Thùy Dương vẫn cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi trong việc kiểm soát tỉ giá mà chưa cần sử dụng các công cụ lãi suất.
Các thuận lợi này bao gồm việc dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tương đối tốt, tạo "room" cho Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các công cụ quản lý.
Bên cạnh đó, nguồn kiều hối và FDI dồi dào đổ vào năm 2023 cũng là nguồn cung ngoại hối tốt, giúp cân bằng thị trường.
Một yếu tố khả quan nữa là dự kiến của Fed về 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Điều này có thể là tín hiệu tốt, làm giảm yếu tố đầu cơ của nhà đầu tư trong tương lai gần. Do đó theo bà Dương, áp lực điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xuất phát từ nguyên nhân tỉ giá trong thời gian tới chưa quá cao.
Ngày 20-3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,34%/năm. Như vậy, lũy kế khối lượng hút ròng kể từ 11-3 đến nay đã đạt 115.000 tỉ đồng. Động thái này được đánh giá nhằm kiểm soát tỉ giá, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND, hạn chế xu hướng đầu cơ.
Dù hút tiền về qua tín phiếu, áp lực tỉ giá vẫn lớn. Ngân hàng Nhà nước có thể phải cân nhắc dùng biện pháp mạnh hơn, như thanh tra việc mua bán USD ở các ngân hàng, theo SSI Research.