Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation, xem xét tổn thương tim của những người mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) liên quan đến SARS-CoV-2. Đây là tình trạng phổi nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có thể liên quan đến các cơ quan ngoài tim và cả các loại vi rút khác ngoài SARS-CoV-2.
Tim viêm nhiễm do vi rút COVID-19 tấn công phổi
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Nghiên cứu hình ảnh trước đây chỉ ra rằng hơn 50% số người mắc COVID-19 bị viêm hoặc tổn thương ở tim.
Điều mà các nhà khoa học không biết là liệu tổn thương xảy ra do vi rút lây nhiễm vào chính mô tim, hay do tình trạng viêm toàn thân được kích hoạt bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi rút.
Tiến sĩ Michelle Olive - thuộc Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia (NHLBI), một đơn vị thuộc NIH - cho biết: "Đây là câu hỏi quan trọng, và việc tìm ra câu trả lời sẽ mở ra sự hiểu biết hoàn toàn mới về mối liên hệ giữa tổn thương phổi nghiêm trọng và loại viêm nhiễm có thể dẫn đến các biến chứng tim mạch".
"Nghiên cứu cũng gợi ý rằng ngăn chặn tình trạng viêm bằng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm thiểu những biến chứng", TS Olive nói thêm.
Để phát hiện mối liên hệ, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các tế bào miễn dịch được gọi là đại thực bào tim, thường đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho mô khỏe mạnh, nhưng cũng có thể chuyển sang trạng thái viêm để đáp ứng với chấn thương như đau tim hoặc suy tim.
Họ phân tích mẫu mô tim của 21 bệnh nhân tử vong vì ARDS liên quan đến SARS-CoV-2, rồi so sánh chúng với mẫu từ 33 bệnh nhân tử vong vì những nguyên nhân không do đại dịch. Các nhà nghiên cứu cũng lây nhiễm SARS-CoV-2 cho chuột để theo dõi những gì xảy ra với đại thực bào của chúng sau khi lây nhiễm.
Biện pháp phòng ngừa cho người mắc COVID-19
Ở cả người và chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc nhiễm SARS-CoV-2 đã làm tăng tổng số đại thực bào ở tim, khiến chúng trở nên viêm nhiễm.
Khi đại thực bào không còn thực hiện công việc bình thường, bao gồm duy trì quá trình trao đổi chất của tim và loại bỏ vi khuẩn có hại hoặc các tác nhân lạ khác, chúng chuyển sang làm suy yếu tim và phần còn lại của cơ thể, Matthias Nahrendorf, giáo sư X-quang tại Trường Y Harvard và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Sau đó, các nhà nghiên cứu thiết kế nghiên cứu trên chuột để kiểm tra xem phản ứng mà họ quan sát được xảy ra do SARS-CoV-2 lây nhiễm trực tiếp vào tim, hay do nhiễm SARS-CoV-2 ở phổi đủ nghiêm trọng để khiến đại thực bào tim bị viêm nhiều hơn.
Nghiên cứu mô phỏng các tín hiệu viêm phổi nhưng không có sự hiện diện của vi rút thực sự. Kết quả, ngay cả khi không có vi rút, những con chuột vẫn xuất hiện phản ứng miễn dịch đủ mạnh để tạo ra sự thay đổi đại thực bào ở tim, giống như những gì các nhà nghiên cứu quan sát thấy ở cả những bệnh nhân chết vì COVID-19 và những con chuột bị nhiễm SARS-CoV-2.
"Điều mà nghiên cứu này cho thấy là sau khi bị nhiễm COVID-19, hệ thống miễn dịch có thể gây tổn thương từ xa lên các cơ quan khác bằng cách gây ra tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng khắp cơ thể, và điều này nằm ngoài tổn thương mà chính vi rút đã gây ra trực tiếp lên mô phổi", giáo sư Nahrendorf cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc ngăn chặn phản ứng miễn dịch bằng kháng thể trung hòa ở chuột đã ngăn chặn sự lan truyền của đại thực bào tim bị viêm và bảo tồn chức năng tim.
Dù chưa thử nghiệm ở người, nhưng ông Nahrendorf cho biết phương pháp điều trị này có thể được sử dụng như biện pháp phòng ngừa cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 có các bệnh từ trước, hoặc những người có khả năng bị hậu quả nghiêm trọng hơn do hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển liên quan đến vi rút SARS-CoV- 2.
Một người đàn ông 62 tuổi đến từ thành phố Magdeburg, Đức đã tiêm hơn 200 mũi vắc xin ngừa COVID-19.