Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói gì về việc máy móc, AI thay thế con người?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trả lời Bộ Nội vụ về kiến nghị, đề xuất của thanh niên phục vụ Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024.
Theo bộ, một số nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và Xã hội thuộc cơ quan này đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có đổi mới công nghệ tác động từng bước đến thị trường lao động Việt Nam, do đó doanh nghiệp và người lao động có thời gian thích ứng.
Công nghệ, số hóa sẽ đem lại những cơ hội việc làm mới trên nền tảng số. Mặc dù robot và AI thiết kế để thay thế lao động thủ công, song không thể thay thế hoàn toàn con người.
Bởi robot tự động hay AI chỉ có thể hoạt động hay sáng tạo dựa trên dữ liệu do con người nhập vào, thiếu trí tuệ, cảm xúc, không có kỹ năng mềm.
Bộ cho rằng cần nâng cao hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề cho thanh niên bên cạnh ứng dụng công nghệ trong tuyển dụng, dự báo hoặc phân tích thị trường lao động chính xác.
Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, ngành có tiềm năng như công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, công nghiệp chế tạo thông minh, thương mại điện tử, nông nghiệp thông minh để phát triển sản xuất chip, chất bán dẫn...
Nhiều ngành sẽ đòi hỏi tính sáng tạo, suy luận logic, nhạy cảm với các vấn đề nên giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, chính sách thu hút sinh viên cần được quan tâm, khuyến khích.
Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam quý 4-2023, có trên 1 triệu người thất nghiệp, giảm 16.000 người so với quý trước đó. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp khoảng 7,62%.
Trong quý 1-2024, dự kiến số có việc làm tăng khoảng 217.000 người so với quý trước. Các ngành tăng nhiều nhất là sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất da, sản xuất thuốc - hóa dược - dược liệu…
Nửa đầu tháng 3, cả nước nhập gần một vạn ô tô
Theo tin tức từ số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng 3, cả nước nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD.
So với nửa cuối tháng 2-2024, lượng xe nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 tăng tới 63,7% (tương đương tăng 3.647 xe), trong khi kim ngạch tăng 41,22%. Tính chung từ đầu năm đến 15-3, cả nước nhập khẩu 25.783 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 524,62 triệu USD.
Về thị trường nhập khẩu, 3 cái tên dẫn đầu đều nằm ở châu Á gồm: Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Indonesia dẫn đầu về số lượng với 7.088 xe, kim ngạch 99,67 triệu USD. Thái Lan với 5.646 xe, kim ngạch 112,67 triệu USD; Trung Quốc với 2.912 xe, kim ngạch hơn 81 triệu USD.
Năm 2023, nước ta nhập khẩu 118.942 ô tô nguyên chiếc, Thái Lan dẫn đầu với 53.942 xe, đứng thứ hai là Indonesia với 42.676 xe, Trung Quốc đứng thứ ba với 11.002 xe.
Phạt doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát vì 'ém' thông tin trái phiếu
Tin tức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết ủy ban này vừa ban hành quyết định số 94 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận.
Theo đó, Công ty Quang Thuận bị phạt 92,5 triệu đồng do không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ đến HNX đối với loạt tài liệu liên quan đến trái phiếu.
Cụ thể như báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bán niên 2023 và năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023 và năm 2022.
Công ty Quang Thuận cũng gửi nội dung công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn cho HNX loạt tài liệu khác như:
- Báo cáo tài chính bán niên 2021 và bán niên 2023;
- Báo cáo tài chính năm 2021 và 2022;
- Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021;
- Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2021;
- Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2023…
Trước đó, hồi cuối tháng 9-2023, Bộ Công an đã thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan, trong đó có Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y
Bộ Y tế đã ban hành thông tư 02/2024/TT-BYT quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Một số điều kiện cho những người được đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y gồm: được chuẩn hóa lương y; được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30-6-2004;
Được Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sĩ cấp 2 trở lên;
Được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sĩ, y sĩ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y;
Đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên...
Một số tin tức đáng chú ý: Hai 'đại gia' bất động sản vay nhiều nghìn tỉ đồng trái phiếu; Doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu ở TP.HCM giảm mạnh; Kiểm tra lắp đặt thiết bị xuất hóa đơn điện tử cho đơn vị bán lẻ xăng dầu...