Lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử và đặt cược có thưởng, nhiều nơi đã tổ chức đánh bạc trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý
Năm 2025 phải xong khung pháp lý cho đặt cược
Không phải là trái phiếu, chứng khoán, nợ công, hay bội chi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong Phiên họp thứ 31 vừa qua, đã chọn các nhóm vấn đề, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là những nội dung mới để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Một trong số đó là việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. “Hầu hết các vấn đề chất vấn lần này được các đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Mới là vì việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng chưa được chọn trong các lần chất vấn trước đối với người đứng đầu ngành tài chính, mặc dù việc đặt cược trong hoạt động thể thao, như bóng đá quốc tế, hay đua chó, đua ngựa, đã được cho phép tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP.
Gần hai năm trước, khi chất vấn thành viên khác của Chính phủ, đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sốt ruột về tiến độ triển khai rất chậm và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời với đa số các thông tin là, đang chờ hoàn thiện khung pháp lý và thủ tục đầu tư.
Tại phiên chất vấn vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) dẫn báo cáo của Bộ Tài chính nhận định, thời gian qua, nhiều nơi đã lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng để tổ chức đánh bạc hoặc đặt cược trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.
Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng có những thay đổi như thế nào trong thời gian qua, tại sao đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược nào. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để công tác quản lý trong lĩnh vực này đạt hiệu quả”, đại biểu Huế nói.
Trả lời đại biểu Huế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao trong nước. Điều kiện để đặt trò chơi điện tử này là, doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử để giám sát, có đội ngũ chuyên nghiệp… Còn về đặt cược, có 3 loại đặt cược là bóng đá, đua ngựa, đua chó, nhưng hiện chưa triển khai được.
“Khi triển khai đặt cược về bóng đá, chúng tôi xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu về loại hình này, thì vướng phải Luật Đấu thầu lúc đấy chưa có quy định. Chúng tôi kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa rồi sửa Luật đã đưa được điều này vào. Bây giờ phải xây dựng được hành lang pháp lý để triển khai đặt cược bóng đá”, Bộ trưởng nói.
Sớm ban hành nghị quyết làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Có thể khẳng định, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thường kỳ thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được yêu cầu đề ra, thành công tốt đẹp. Trên cơ sở diễn biến của phiên chất vấn, các báo cáo của các bộ và ý kiến phát biểu kết luận phiên chất vấn, đề nghị Tổng thư ký Quốc hội khẩn trương trình Dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về chất vấn làm căn cứ tổ chức thực hiện.
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Sau phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược casino và trò chơi có thưởng. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ, từng bước tái cơ cấu thị trường theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kinh doanh xổ số.
Đồng thời, sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng để đầu tư phát triển y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong các hoạt động này nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngành tài chính còn được yêu cầu tìm giải pháp phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; thực hiện nghiêm quy định về Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm theo những sản phẩm của ngân hàng.
Trong công tác hải quan, yêu cầu đặt ra là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hải quan số, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế
Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét là “hiểu biết, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn”.
Trong thời gian một buổi chiều, bên cạnh các vấn đề về bảo hộ công dân, chống tiêu cực trong hoạt động ngoại giao, ngoại giao kinh tế cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, rất đa dạng, nhưng đi qua đường tiểu ngạch là chính. Xuất khẩu sang các thị trường lớn như Âu, Mỹ, Canada, Anh.... thì rất khó khăn.
“Vậy các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có giải pháp gì để giúp đỡ doanh nghiệp trong nước được thuận lợi xuất khẩu hàng hóa và hạn chế đến mức thấp nhất bị lừa gạt hoặc tranh chấp mà phần thiệt thòi về phía Việt Nam”, đại biểu Hòa chất vấn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, thời gian qua, các bộ, ngành đã triển khai những giải pháp đột phá để thúc đẩy hợp tác xuất nhập khẩu với các đối tác. “Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất và chúng ta đã đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với 68 đối tác trên thế giới để thúc đẩy xuất nhập khẩu”, ông Sơn thông tin.
Trước thực trạng xuất khẩu sang một số nước EU giảm, Bộ trưởng cho hay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành thông tin đến các bộ, ngành nghề và các doanh nghiệp về những quy định mới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng những quy định mới về các vấn đề như các sản phẩm gỗ liên quan đến rừng, những chính sách mới về các sản phẩm sạch (không dùng năng lượng cũ như điện than…
Riêng với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, kể cả trong thời gian đại dịch, để giao lưu hàng hóa vẫn thông suốt. “Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngoại giao đang thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy xuất nhập khẩu”, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Các biện pháp được Bộ trưởng nêu là, với Trung Quốc, tăng cường kết nối đường bộ, tiếp tục làm về đường sắt để thông thương với các đối tác của nước này; đàm phán với các đối tác về những quy định, tiêu chuẩn để xuất nhập khẩu một cách chính ngạch. “Hàng hóa của Việt Nam bây giờ chất lượng rất cao, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Như vậy sẽ đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội rất bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng hồi âm đại biểu.
Ngành ngoại giao cần tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài để kiến nghị, điều chỉnh chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. “Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp, đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu.