Để xử lý tình trạng lấy cắp mã số thuế (MST), các chuyên gia khuyến cáo nạn nhân nên có đơn gửi đến cơ quan thuế để yêu cầu giải quyết, đồng thời đề xuất ngành thuế có quy định xử phạt thật nặng những doanh nghiệp (DN) gian lận thuế theo cách trên, đồng thời phải có giải pháp để ngăn chặn hành vi này.
Đăng tuyển dụng để lấy thông tin lập MST
Phản ánh đến Tuổi Trẻ, anh T.Hưng (Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay vừa phát hiện một công ty xây dựng lấy thông tin của anh và ba người bạn nữa của anh để kê khai thuế.
Trước đó, anh Hưng cho biết cùng ba người bạn này nộp hồ sơ xin việc làm thời vụ tại một DN và đây có thể là nơi để lộ thông tin cá nhân của anh Hưng cùng những người bạn.
Theo anh Hưng, một DN đã lấy thông tin này để tự đi kê khai MST, kê khống thu nhập đã trả cho anh và nhóm bạn để kê nâng chi phí đầu vào nhằm làm giảm số thuế phải nộp.
"Bốn người chúng tôi phải làm đơn lên cơ quan thuế cam kết không có thu nhập tại công ty này. Tuy nhiên, tôi mong muốn ngành thuế có biện pháp xử phạt mạnh tay để các DN không dám lách thuế theo cách này", anh T.Hưng đề nghị.
Chị Thùy Linh (quận Phú Nhuận) cũng rơi vào tình trạng này. Tuy nhiên, khi liên hệ yêu cầu gỡ thông tin, DN hẹn qua quý 2.
"Tôi có đi tìm hiểu qua người quen làm kế toán, được biết có rất nhiều con đường dẫn đến lộ, lọt thông tin. Ngoài hồ sơ xin việc, nhiều DN còn "thu thập" thông tin tại các cửa hàng photocopy, nhiều người gửi thông tin in hồ sơ qua Zalo sau đó bị thu thập và bán lại...", chị Linh bức xúc.
Ông Chung Thành Tiến, giám đốc Công ty TNHH DV kế toán Đồng Hưng, cho biết những năm gần đây đã phải xử lý rất nhiều trường hợp người nộp thuế bị một DN xa lạ nào đó lấy cắp MST.
"Chiêu thức chung của những DN này là đăng tuyển dụng ồ ạt, liên tục lao động thời vụ để lấy thông tin, hồ sơ sau đó đăng ký MST để khấu trừ vào chi phí được trừ. Rơi vào tình huống này, nạn nhân gặp nhiều rắc rối không đáng có", ông Tiến nói.
Để giải quyết câu chuyện này, ông Tiến đề nghị ngành thuế phải xử phạt thật nặng những DN lấy cắp MST. Có thể quy vào hành vi giả mạo chứng từ kế toán, gian lận thuế.
Song song với xử phạt thật nặng, ngành thuế cũng cần công khai thông tin những DN lấy cắp MST cá nhân lên các phương tiện truyền thông để cảnh báo và đánh động dư luận, để những DN đang làm và có ý định làm sẽ không dám thực hiện hành vi như vậy nữa.
"Các ngân hàng không chỉ mở tài khoản dựa theo các thông tin khách hàng mà còn bắt buộc phải qua các bước xác thực vân tay, khuôn mặt...
Vì sao ngành thuế không áp dụng công nghệ này vào việc cấp MST trong khi những bước xác thực này rất dễ thực hiện, chỉ thông qua điện thoại mà lại tránh được việc DN lợi dụng lấy CMND, CCCD tự ý đi đăng ký MST?", ông Tiến đặt câu hỏi.
Cơ quan thuế phải có trách nhiệm xử lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên cục trưởng Cục thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), khuyến cáo rằng khi phát hiện bị lấy trộm MST cá nhân, người nộp thuế cần gửi đơn đến cơ quan thuế nơi mình cư trú. Trong thư, người nộp thuế khẳng định không có liên quan gì đến DN đã sử dụng MST của mình.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng cơ quan thuế không thể đẩy hết trách nhiệm cho người nộp thuế cá nhân liên quan đến những rắc rối về MST, do cơ quan thuế chính là nơi cấp MST cho người nộp thuế.
"Do đó, khi xảy ra tình trạng người có 2 hoặc 3 MST cá nhân, gây phiền toái cho người nộp thuế là cơ quan thuế phải có giải pháp xử lý", ông Tú nói.
Việc ngành thuế tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký MST bằng phương thức điện tử, theo ông Tú, là rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, ngành thuế cũng phải có giải pháp để ngăn chặn hành vi gian lận "đánh cắp" MST như đã xảy ra thời gian qua. Theo đó, cơ quan thuế cần tăng cường rà soát, sàng lọc, kiểm tra để phát hiện kịp thời những DN có hành vi này trên địa bàn mình quản lý.
Cũng theo ông Tú, khi thấy có dấu hiệu bất thường, cơ quan thuế phải kiểm tra để xử lý. "Liệu có tình trạng làm giả chứng từ chi trả lương, thưởng rồi đưa vào bảng kê khai chi phí của DN nhằm trốn thuế?
Để trả lời được câu hỏi này, cơ quan thuế phải kiểm tra, phải nâng cao trách nhiệm quản lý của mình. Như vậy mới góp phần ngăn chặn hành vi gian lận, trốn thuế, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng", ông Tú đặt vấn đề.
Đại diện Tổng cục Thuế cho hay trong năm nay thông tư sửa đổi thông tư 105 hướng dẫn về đăng ký thuế sẽ được ban hành.
Theo đó, mã số định danh (mã CCCD, mã định danh) sẽ là MST. Như vậy, những người nộp thuế có hơn một MST cá nhân sẽ chỉ còn một MST cá nhân chính là mã số định danh. Nên người nộp thuế không nhất thiết phải đóng, hủy các MST như hiện nay nữa.
Theo các chuyên gia về thuế, ngành thuế cũng đặt cả tình huống gian lận lấy cắp MST cá nhân dù MST cá nhân được chuyển đổi thành mã số CCCD.
"Công nghệ ngày càng phát triển. Đối tượng vi phạm luôn tìm mọi cách, thủ đoạn tinh vi để qua mắt được cơ quan quản lý. Do đó, ngành thuế phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý thuế để phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm", một chuyên gia đề xuất.
Cần xử nặng DN "đánh cắp" MST
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho biết trước đây nhiều DN đã lách thuế bằng cách mua hóa đơn để hợp thức hóa hoặc làm tăng chi phí được trừ, từ đó làm giảm số thuế TNDN phải nộp.
Tuy nhiên, những năm gần đây ngành thuế siết chặt việc quản lý hóa đơn, rất nhiều đường dây mua bán hóa đơn bị lộ nên DN lách thuế bằng cách lấy MST để khai khống chi phí tiền công, tiền lương.
Theo đó, các DN này thu thập thông tin, thậm chí mua thông tin cá nhân, sau đó cắt ghép ảnh, đăng ký MST để khai khống. Có trường hợp "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như số CCCD tên này nhưng MST lại là tên khác.
Nhiều nạn nhân dở khóc dở cười khi rơi vào tình huống này, phải chạy ngược chạy xuôi để giải quyết nhưng phía DN phớt lờ. Những trường hợp có mối quan hệ quen biết và làm căng, DN mới xóa hết thông tin và giải thích là "nhầm lẫn".
"Ngành thuế tạo cơ chế mở để người nộp thuế có thể dễ dàng đăng ký MST là đúng. Nhưng những DN lợi dụng cơ chế này để trục lợi thì phải xử lý thật nặng và công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe. Qua đó cũng là để tuyên truyền và đánh động ý thức chấp hành của DN", ông Xoa nói.
Hạn chót cá nhân tự quyết toán thuế là ngày 2-5
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết ngày 1-4 là hạn chót để thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 với tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
Với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023, thời hạn cuối cùng để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân là ngày 2-5.
Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế, theo quy định, sẽ không bị phạt vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
Cách tra cứu có bị lấy cắp MST hay không
Để tra cứu MST cá nhân của mình có bị lấy cắp hay không, người nộp thuế cần tải app Etax Mobile rồi đăng ký tài khoản bằng cách kê khai MST, mã số CCCD.
Sau đó, người nộp thuế vào mục tra cứu thông tin quyết toán thuế để kiểm tra thông tin quyết toán thuế của từng năm. Dữ liệu trên hệ thống sẽ thể hiện người nộp thuế nhận thu nhập ở đơn vị nào, số tiền bao nhiêu, số thuế đã nộp...
Vào mùa cao điểm quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023, nhiều người bỗng dưng phát hiện đã bị một doanh nghiệp xa lạ nào đó lợi dụng lấy thông tin để mở mã số thuế, rồi khai khống thu nhập nhằm trốn thuế.