Sáng 22-3 tại TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học triển khai thông tư 01/2024 về chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Trong đó có các tiêu chí về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, phòng làm việc cho giảng viên.
Ông Vũ Văn Yêm - Đại học Bách khoa Hà Nội - được mời trình bày về tình hình thực tế của trường trên cơ sở các tiêu chuẩn của thông tư 01. Bên cạnh trình bày các điều kiện đối sánh theo chuẩn của trường, ông Yêm cũng có nhận định chung về các tiêu chuẩn này.
Về tỉ lệ sinh viên/giảng viên, ông Yêm cho biết ở các nước châu Âu tỉ lệ này khoảng 15-16 sinh viên/giảng viên, các đại học nghiên cứu ở Mỹ thì chỉ có 11-12 sinh viên/giảng viên.
Theo chuẩn của thông tư 01 thì tỉ lệ sinh viên/giảng viên của đại học Việt Nam không cao hơn 40. "Tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá lớn, chất lượng đào tạo có vấn đề, thấp quá thì ảnh hưởng hiệu quả đầu tư" - ông Yêm nói.
Cũng theo thông tư này, 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí nơi làm việc tại trường, tối thiểu 6m2/cán bộ. Đây là thách thức lớn đối với các trường đại học.
"Nhưng nói thật không đâu như Việt Nam mình. Nhiều giảng viên chạy sô như ca sĩ. Gọi đi dạy là dạy, dạy ở trường xong rồi về. Hai ba tuần không lên trường. Như vậy không ổn. Tôi cho rằng phải thay đổi. Giảng viên phải có không gian làm việc, trao đổi, hỗ trợ giúp đỡ sinh viên, có lab, có nghiên cứu nên phải có không gian làm việc, có chỗ làm việc. Phòng họp bộ môn hầu như đóng cửa suốt" - ông Yêm nêu thực tế.
Ông cũng nói thêm rằng Đại học Bách khoa Hà Nội phấn đấu 100% giảng viên có phòng làm việc. Nghiên cứu sinh, thạc sĩ định hướng nghiên cứu cũng có chỗ ngồi làm việc. Không tập trung làm việc thì đừng nói đến sự phát triển.
Trong khi đó, đại diện một trường đại học cho rằng chuẩn phòng làm việc cho giảng viên có thể gây lãng phí vì bỏ trống. Như thực tế hiện nay, giảng viên chạy sô thường xuyên, nên nếu bố trí phòng làm việc cho giảng viên sẽ lãng phí đầu tư.
Nói về tiêu chuẩn nơi làm việc cho giảng viên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng ngoài thời gian lên lớp, giảng viên còn tham gia các hoạt động khác như nghiên cứu, tiếp sinh viên, làm bài giảng. Điều này chỉ hiệu quả khi giảng viên làm việc ở trường. Do đó các trường cần quan tâm đến việc này. Đây không phải là yêu cầu quá cao.
Giảng viên đại học không chỉ dạy xong rồi về. Họ cần có giờ tiếp sinh viên, nghiên cứu, tham gia hoạt động chuyên môn, trao đổi đồng nghiệp. Đây là việc rất nên làm, phải thay đổi tư duy. Trường đầu tư, bố trí nơi làm việc mà giảng viên không lên làm việc thì cần phải xem lại vấn đề quản trị, môi trường làm việc.
Tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ còn thấp
Một trong những thách thức khác khi áp dụng chuẩn cơ sở giáo dục đại học đó là tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ. Ông Yêm cho rằng đây là tiêu chí khá thách thức với các trường, nhất là miền Nam. Thống kê cho thấy hiện có khoảng 85.000 giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm.
Trong số này chỉ có 26.800 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 32%. Tuy nhiên các trường miền Bắc có tỉ lệ tiến sĩ cao hơn miền Nam. Các trường khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ giảng viên tiến sĩ rất thấp.
Theo chuẩn, đến năm 2030 có khoảng 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Hai năm nay nhiều trường rầm rộ tuyển tiến sĩ, trả 300 - 500 triệu đồng cho tiến sĩ về trường có lẽ là chạy theo thông tư này. Điều này cũng tốt. Tuy nhiên, tiêu chí này là thách thức và yêu cầu các đơn vị có chiến lược đào tạo cán bộ phù hợp.
Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho hay việc báo cáo chưa bố trí được việc làm cho giảng viên là chưa chuẩn nên đã gây ra bức xúc cho giảng viên.