Công chứng điện tử là nội dung chính mà hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động công chứng" do Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phối hợp Liên đoàn Công chứng viên Liên bang Nga tổ chức tại TP.HCM ngày 22-3.
Theo Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Luật Công chứng năm 2014 đã đặt cơ sở pháp lý số hóa khi quy định về dữ liệu công chứng.
Về thực trạng, hiện cơ sở dữ liệu công chứng mới chỉ chủ yếu cung cấp các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn đã hỗ trợ cho hoạt động hành nghề của công chứng viên được an toàn hơn, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của cơ sở dữ liệu công chứng ở Việt Nam hiện nay là từng tỉnh thành có hệ thống riêng và chỉ áp dụng trong phạm vi tỉnh thành. Đồng thời, quy trình công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng, từ giai đoạn tiếp nhận đến xử lý hồ sơ và ký công chứng vẫn cơ bản thực hiện thủ công trên tài liệu giấy.
Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ ngày càng mạnh ở mọi lĩnh vực đời sống, nhất là việc đẩy mạnh đề án 06 về chương trình chuyển đổi số quốc gia, nghề công chứng cũng phải phát triển tương thích.
"Tiến tới công chứng điện tử là mục tiêu nghị quyết của Chính phủ đặt ra cho ngành công chứng. Vì vậy cần phải đồng bộ quy định pháp luật công chứng, nhất là dự án Luật Công chứng sửa đổi bổ sung 2024 với hệ thống các luật liên quan làm cơ sở pháp lý chung cho phát triển công chứng điện tử...", ông Đào Duy An, tổng thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, nói.
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, ông Konstantin Korsik, chủ tịch Liên đoàn Công chứng viên Liên bang Nga, cho hay từ năm 2014 đến nay Nga đã trải qua hai giai đoạn chuyển đổi số. Đến nay đã có đến 1/3 các hoạt động công chứng được thực hiện qua mạng.
"Hiện nay 13 hoạt động công chứng có thể thực hiện ở hình thức từ xa không cần công chứng viên có mặt, không yêu cầu xác minh ý muốn của người nộp đơn như: xác nhận thu hồi nợ, cung cấp bằng chứng trên Internet, chuyển giấy tờ điện tử, nhận tiền đặt cọc... Tổng cộng, gần 800.000 hoạt động công chứng đã được thực hiện trực tuyến", ông Konstantin Korsik chia sẻ.
TTO - Phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tránh mọi tư duy cát cứ về thông tin, dữ liệu, sợ mất lợi ích...