Ngày 22-3, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.
"Bị cáo không phải là người được bà Trương Mỹ Lan tuyển dụng"
Bào chữa cho bị cáo Diệp Bảo Châu (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB), luật sư Trần Minh Hải đề nghị xem xét lại vai trò của thân chủ là thứ yếu trong vụ án, bởi ông Châu không phải là người thẩm định cho vay.
Theo luật sư, ông Châu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 294 khoản vay trong vụ án, chủ yếu do đã tham gia ký kết các biên bản họp hội đồng tín dụng hội sở hoặc hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở.
Thực chất, theo quy định của SCB thì hội đồng tín dụng hội sở chỉ là cơ quan tham mưu, không có thẩm quyền phê duyệt tín dụng tại SCB.
Thẩm quyền quyết định khoản vay tại SCB chỉ thuộc về hội đồng quản trị; hội đồng kinh doanh và đầu tư trung ương và tổng giám đốc.
Mặt khác, theo hồ sơ vụ án, ông Châu không phải là người được bà Trương Mỹ Lan tuyển chọn, bố trí làm việc tại SCB mà đã làm việc tại SCB từ năm 2007 trước khi SCB hợp nhất và tiếp tục làm việc sau khi SCB hợp nhất.
Ông Châu cũng chưa từng nhận bất kỳ khoản thưởng bằng tiền hay cổ phần nào từ bà Trương Mỹ Lan.
Đề nghị xem xét lại thiệt hại
Luật sư cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Diệp Bảo Châu trên cơ sở loại trừ ra khỏi con số thiệt hại dư nợ của 32 khoản vay có giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn tổng dư nợ gốc lãi còn lại.
Theo luật sư, thiệt hại mà cáo trạng đang áp dụng là lấy số dư nợ còn lại của các khoản vay trừ đi giá trị các tài sản bảo đảm được phân bổ cho các khoản vay. Cáo trạng cho rằng đây là nguyên tắc có lợi cho các bị cáo nên được áp dụng thống nhất trong cách xác định thiệt hại của vụ án.
Luật sư cho rằng về mặt nghiệp vụ ngân hàng, nguyên tắc này tương đối phù hợp với cách xác định hậu quả tín dụng đối với khoản vay của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, trong việc xác định hậu quả thiệt hại liên quan đến trách nhiệm của ông Châu, còn những vấn đề bất cập bởi nếu áp dụng triệt để nguyên tắc xác định thiệt hại có lợi cho các bị cáo thì có đến 32 khoản vay liên quan đến ông Châu cần đưa ra khỏi con số thiệt hại của vụ án.
Lý do, nếu sử dụng dư nợ của khoản vay, khấu trừ giá trị tài sản phân bổ, thì khoản vay không có thiệt hại vì có giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn tổng dư nợ gốc, lãi còn lại của khoản vay.
Luật sư dẫn chứng khoản vay của Công ty cổ phần Khải Phú Quang có tổng dư nợ cả gốc và lãi là 786 tỉ đồng nhưng tài sản bảo đảm có giá trị lên đến 2.900 tỉ đồng (giá trị tài sản gấp 3,7 lần dư nợ, nếu xử lý tất toán dư nợ, còn dư hơn 2.100 tỉ đồng).
"Những khoản vay nêu trên kể từ lúc SCB giải ngân, trải qua suốt quá trình theo dõi nợ vay, cho đến khi vụ án bị khởi tố và cho đến thời điểm hiện tại, thì luôn có tài sản bảo đảm để đảm bảo chắc chắn cho 100% dư nợ, bảo đảm không thể có hậu quả nợ xấu xảy ra.
Đối với 32 khoản vay mà giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn dư nợ gốc lãi của khoản vay, hậu quả thiệt hại không thể xảy ra", luật sư nêu quan điểm.
Ông Hải cho rằng, cũng cần xem xét giảm trừ trách nhiệm của bị cáo trên cơ sở loại trừ ra khỏi con số thiệt hại dư nợ của 46 khoản vay mà giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn dư nợ gốc.
Ngoài ra, theo luật sư thì tổng số tài sản bảo đảm liên quan vụ án đang có các số liệu không trùng khớp.
"Cáo trạng xác định có 1.166 tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay. Tuy nhiên, trang 15 cáo trạng lại xác định có 204 tài sản bảo đảm cho các khoản vay giai đoạn từ 1-1-2012 đến 31-12-2017 và 982 tài sản bảo đảm cho các khoản vay giai đoạn từ 1-1-2018 đến 7-10-2022. Như vậy tổng số tài sản bảo đảm là 1.186.
Cáo trạng cũng ghi nhận Công ty Hoàng Quân từ chối định giá 440 tài sản, nhưng theo các thông tin xác định về số lượng tài sản mà Công ty Hoàng Quân từ chối cho từng giai đoạn thì có đến 445 tài sản bị Công ty Hoàng Quân từ chối định giá chứ không phải 440 tài sản.
Như vậy, tổng cộng có 666 tài sản bị loại bỏ khỏi danh mục tài sản khấu trừ thiệt hại trong vụ án này, trong đó 445 tài sản do Công ty Hoàng Quân từ chối định giá, còn 221 tài sản đã được Công ty Hoàng Quân định giá nhưng bị SCB từ chối phân bổ khoản vay", luật sư Hải nêu.
Từ những phân tích trên, luật sư đề nghị hội đồng xét xử đặc biệt xem xét để đánh giá đúng về vai trò, trách nhiệm của bị cáo Diệp Bảo Châu liên quan đến vụ án, để cân nhắc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Châu.
Chiều 21-3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo tiếp tục tranh luận. Tự bào chữa, ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cho rằng SCB thuê tòa nhà của bà Lan và có trả tiền thuê nhà.