Vượt hơn 1.500 km cứu hộ hàng nghìn cá thể động vật hoang dã
Tối một ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chị Trần Thị Ngọc Giàu, Tổng quản lý VinWonders Nam Hội An (Quảng Nam) nhận được cuộc điện thoại thông báo từ cơ quan chức năng: Đang có hơn 1.500 cá thể vẹt, kỳ đà, rồng Nam Mỹ, trăn, rùa… cần được cứu hộ khẩn cấp từ Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Số lượng cá thể lớn, thuộc 37 loài, trong đó có nhiều loài chưa từng được nuôi dưỡng tại River Safari, đòi hỏi bổ sung cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự không nhỏ để đáp ứng điều kiện chăm sóc.
Với sứ mệnh cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã của River Safari, ngay trong đêm, chị Giàu nhanh chóng được cấp trên đồng ý để xác nhận và tổ chức cho nhóm chuyên gia, bác sĩ lập tức lên đường "đi đón" những thành viên mới.
Quãng đường đến rừng Quốc Gia Pù Mát dài hơn 1.500 km, nhiều đoạn nhỏ hẹp, gập ghềnh rất khó đi. "Người thì chịu được việc di chuyển tốc hành, dằn xóc… nhưng làm sao để đưa được đàn thú trở về an toàn, đảm bảo sức khỏe, tinh thần mới là áp lực lớn nhất đối với chúng tôi. Từ phương án sắp xếp chuồng nhốt, buộc chằng dây giữ, đến kiểm soát tay lái để hành trình nghìn cây số êm ái nhất có thể cho các bạn ấy… là một quá trình toàn đội phối hợp với nhau nhịp nhàng liên tục.
Ròng rã từ ngày 6-2 đến chiều 8-2 (tức 29 Tết), anh em quên hết mệt mỏi, tập trung lo cho toàn bộ hơn 1.500 cá thể động vật về đến River Safari an toàn. Lúc đó, chúng tôi mới dám thở phào, mừng rỡ ôm chặt nhau khi chuồng thú cuối cùng được đưa về các ốc đảo", chị Ngọc Giàu kể lại.
Sau hành trình vận chuyển, việc nuôi dưỡng, nhập lượng lớn thức ăn, theo dõi, hòa nhập… cho hơn 1.500 cư dân mới gần như chiếm trọn cái Tết Giáp Thìn của bộ phận chăm sóc động vật. "Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi đã tự nguyện sắp xếp lại kế hoạch về quê ăn Tết để ở lại chăm sóc cho các bạn động vật mới", chị Giàu bồi hồi nhớ lại.
"Các bạn chia sẻ với tôi rằng, khi nào "tụi nhỏ" khỏe mạnh, sống quen với chuồng mới rồi mình về thăm nhà sau cũng được". Đó là tâm nguyện xuất phát từ tình yêu động vật đặc biệt của đội ngũ nhân viên.
Ngôi nhà lý tưởng của động vật hoang dã tại miền Trung
Trước đó không lâu, chị Giàu cũng nhận cuộc gọi phối hợp cứu hộ cá thể hổ Bengal nặng hơn 200kg đang bị vận chuyển buôn bán trái phép ở Đa-Krông (Quảng Trị). Do bị gây mê, bị chở đi thời gian dài trong chuồng sắt chật chội, "chúa sơn lâm" đang trong tình trạng sức khỏe kém, có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng. Ngay lập tức, công tác chuẩn bị cho việc tiếp nhận hổ với kịch bản tình huống sức khỏe xấu nhất đã được thực hiện.
Công tác tiếp nhận, cấp cứu và thực hiện một loạt các thủ thuật y tế đã được khẩn trương diễn ra trong sáu tiếng. Cá thể hổ Bengal sau đó được đưa về khu vực chuồng trại rộng rãi, yên tĩnh và được bác sĩ theo dõi, chăm sóc y tế 24/24. Hơn 1 tuần sau, không ai có thể nhận ra đây là một cá thể được cứu hộ vì chú hổ Bengal đã oai vệ dạo bước khắp ốc đảo riêng của mình ở River Safari Nam Hội An.
Trước đó, liên tiếp trong khoảng 3 tháng từ cuối năm 2023 đến đầu 2024, công viên bảo tồn này đón gần 30 cá thể chồn đất - cầy Meerkat, chuột túi Kangaroo Wallaby, chuột lang nước khổng lồ Capybara, họ gặm nhấm từ Quảng Ninh cùng hàng loạt loài động vật quý hiếm, nằm trong danh mục cần cấp thiết bảo tồn như tê tê Java, bồ nông trắng lớn, vẹt trắng mắt xanh, rồng Nam Mỹ...
Tất cả đều là những cá thể bị săn bắt, nhập lậu trái phép, bị nuôi nhốt trong môi trường sống không phù hợp dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe và tập tính sinh hoạt.
"Hàng năm, các cơ quan chức năng tại Việt Nam liên tục ngăn chặn được nhiều vụ buôn bán, săn bắt, nhập lậu trái phép động vật hoang dã. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng và nhập đàn cho các cá thể này thật sự cần thời gian, cơ sở vật chất và sự chăm sóc toàn diện của đội ngũ chuyên gia. Sau gần 6 năm đầu tư, nỗ lực xây dựng chức năng trung tâm cứu hộ và bảo tồn, River Safari hiện đã sẵn sàng đáp ứng điều kiện sống tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần cho các loài động vật hoang dã", chị Giàu thông tin thêm.
Theo anh Lê Việt Cường,Trưởng Bộ phận Chăm sóc Động vật River Safari, trước đó, vào tháng 8-2022, các anh cũng đã cứu hộ 2 bạn tê tê với thể trạng không tốt.
"Ban đầu, các bạn rất nhút nhát, không chịu tiếp xúc hay ăn uống. Toàn đội phải chia ca theo dõi 24/24 và kiên trì đưa ra những phương pháp kỹ thuật giúp tê tê cảm thấy an toàn, từ đó thay đổi tâm lý đề phòng với mọi thứ xung quanh. Sau hơn 4 tháng với điều kiện chăm sóc tốt, các bạn đã sinh sản 01 cá thể tê tê non. Đó là "trái ngọt" vô cùng bất ngờ đối với người làm bảo tồn chúng tôi", anh Cường tự hào kể.
Bên cạnh những cá thể cứu hộ, River Safari Nam Hội An hiện đang là "mái nhà" của hơn 500 cá thể thuộc 50 loài động vật quý hiếm, với điều kiện sống được tái hiện với tập tính tự nhiên. Tại đây, mỗi thành viên hoang dã không chỉ được an cư, sinh hoạt theo thời gian biểu và chế độ rất khoa học mà còn có thể "bén duyên" với bạn đời, tạo ra những gia đình mới.
Hàng trăm thành viên thế hệ F1 thuộc các loài sư tử, hổ, gấu, linh dương, thiên nga đen… liên tục chào đời mỗi năm là minh chứng sống động cho bầu không khí hạnh phúc, viên mãn tại vườn thú du khảo trên sông đầu tiên tại Việt Nam.