Vừa qua xảy ra rất nhiều vụ đánh người sau khi va chạm giao thông, tuy nhiên có trường hợp người bị đánh chỉ bị thương nhẹ. Vậy xin hỏi chỉ bị thương nhẹ thì có bị xử lý hình sự không?
Anh Hoàng Hải B... (huyện Cần Giờ, TP.HCM) gửi câu hỏi.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) tư vấn về xung đột sau va chạm giao thông như sau:
Có thể khẳng định khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông xảy ra do lỗi của mình hay người khác, việc đánh người như vậy là vi phạm pháp luật.
Do đó, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Về xử lý hành chính: Căn cứ điểm a, khoản 5 và điểm đ, khoản 14, điều 7 nghị định số 144/2021/NĐ-CP, quy định như sau: "5. Phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, điểm c, khoản 2, điểm b, khoản 3 và điểm a, khoản 5 điều này".
Như vậy, hành vi đánh người sau khi va chạm giao thông có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng.
Đồng thời, buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị đánh.
Về xử lý hình sự: Tại điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi khoản 22, điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017, quy định như sau:
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân...".
Như vậy, nếu trường hợp đánh người sau khi va chạm giao thông tuy chỉ thương tật nhẹ nhưng nếu thuộc các trường hợp như sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, có tính chất côn đồ... theo quy định nêu trên vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.