Nhưng nguồn nước này đang bị chi phối rất nhiều từ các đập thủy điện thượng nguồn cũng như dự án chuyển nước. Do đó về lâu dài, ĐBSCL cần có những định hướng ứng phó và thích ứng phù hợp.
THÍCH ỨNG THEO VÙNG
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL), giải pháp để người dân đồng bằng thích ứng/sống chung với hạn - mặn vùng ven biển đã được đề ra rất rõ trong Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ công bố tháng 06/2022 tại Cần Thơ.
Quy hoạch tích hợp ĐBSCL dựa theo những nguyên tắc của Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 là nguyên tắc thuận thiên, thích ứng, hạn chế chống lại thiên nhiên đồng thời tận dụng cơ hội kinh tế của biến đổi khí hậu; xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên, chuyển đổi nền nông nghiệp để thích ứng tùy theo từng vùng chứ không nhất thiết phải canh tác lúa quanh năm ở vùng ven biển, vùng không thuận lợi, nhất là vào mùa khô; xoay trục ưu tiên nông nghiệp từ lúa - cây trồng khác - thủy sản sang thủy sản - cây trồng khác - lúa, tức là cây lúa không phải là ưu tiên số 1 trong nền nông nghiệp mới.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, vấn đề không phải là sản lượng lúa bao nhiêu tấn nữa mà là thu nhập bao nhiêu mới là quan trọng. Cụ thể, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL chia đồng bằng thành 3 vùng: vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan; vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn-lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước lợ-mặn vào mùa khô để nước mặn-lợ là cơ hội chứ không phải là mối ám ảnh mỗi mùa khô nữa. Vùng sát ven biển là vùng mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.
Đối với những vùng ngọt hóa như Gò Công (Tiền Giang), Trần Văn Thời (Cà Mau) và một số vùng ngọt hóa khác thì sẽ chuyển đổi trở lại điều kiện luân phiên ngọt-lợ tự nhiên như trước đây sau thời hạn của kỳ quy hoạch này vào 2030.
“Trên thực tế có thể thấy trong tình hình mới, các khu ngọt hóa là phù hợp với tình hình trước đây khi còn ưu tiên cây lúa nhưng trong tình hình mới, các khu này ngày càng mong manh hơn, khó mà chống chịu vói tình hình thiếu nước mùa khô trong những năm cực đoan dẫn đến sụt lún, hư hại đường xá nhà cửa trong vùng và tình hình sụt lún chung của cả đồng bằng trong bối cảnh nước biển dâng. Bên trong các khu ngọt hóa này vào đầu mùa khô cũng ô nhiễm nặng nề do nước tù đọng khi đóng cống. Nguồn lợi thủy sản thiên nhiên cũng cạn kiệt vì không có kết nối với sông biển bên ngoài”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh và lưu ý.
GIẢM DIỆN TÍCH TRỒNG LÚA
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu (nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có kế hoạch ứng phó sớm và phù hợp với điều kiện tự nhiên. Ngay từ cuối năm ngoái khi giá lúa đang cao, nhiều nông dân và địa phương muốn mở rộng diện tích nhưng với những thông tin cảnh báo sớm Bộ đã yêu cầu các địa phương giảm diện tích. Toàn vùng ĐBSCL gieo sạ trên diện tích 1,475 triệu ha, giảm 369 ha. Đây là sự chủ động thích ứng phù hợp để giảm thiệt hại vì thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, sự chủ động này vẫn mang tính mùa vụ.
Cũng theo ông Bửu, để phát triển nông nghiệp bền vững cần có những chính sách dài hơi hơn. Phải làm gì, làm như thế nào để phù hợp với tự nhiên, cần phải có sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên đây lại là điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Thái Lan, nước chịu tác động của nắng nóng và khô hạn mạnh hơn và cũng là đối thủ chính của nông nghiệp Việt Nam, đầu tư cho khoa học rất tốt và có kế hoạch chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường (Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã phối hợp, theo dõi các dự báo sớm để đưa ra kế hoạch thích ứng phù hợp. Người dân và chính quyền các địa phương cũng có kinh nghiệm nhiều năm “sống chung” với hạn mặn, nên năm nay đã chủ động ứng phó thành công. Cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu lại mùa vụ. Những khu vực ven biển đã xuống giống sớm vụ đông xuân từ giữa tháng 10 và đến thời điểm này đã thu hoạch xong trên diện tích khoảng 300.000 ha, năng suất vẫn bảo đảm.
Ở những vùng có đê bao và cống đập sẽ tiến hành đóng cống khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép. Khi mặn rút theo các đợt triều cường, nước ngọt về sẽ tranh thủ bơm trữ nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng, vườn. Đối với những khu vực bị ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, Cục cũng đã khuyến cáo bà con chuyển đổi từ sản xuất lúa sang hoa màu và các loại cây chịu hạn, mặn.
ĐÁNH GIÁ NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại (Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam), ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước với hơn 389.000ha. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bão lụt với tần suất ngày càng nhiều. Đợt hạn mặn năm 2015 - 2016, ĐBSCL có hơn 9.400 ha trồng cây ăn quả bị thiệt hại với các mức độ khác nhau.
Trước thực trạng trên, Viện đã nghiên cứu các giải pháp phòng chống hạn, mặn trên cây ăn quả nói chung, đặc biệt là cây sầu riêng. Theo đó, để ngành rau quả phát triển bền vững thì cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực. Từ đó quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi, xây dựng đập ngăn mặn theo từng vùng. Tiến tới quy hoạch lại vùng trồng thích hợp.
Bên cạnh đó, đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra cần tăng cường quản lý nước tưới và sử dụng nước tưới, nên có hạn mức nước tưới trên một diện tích đất cần tưới cho từng loại cây, trên từng vùng đất.
Tiến sĩ Thoại cũng khuyến cáo, cần tăng nguồn dự trữ nước mặt để cung cấp nước trong mùa khô ở quy mô và cấp độ khác nhau. Bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kênh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới. Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu. Tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm nước, không lãng phí nước, sử dụng nước hiệu quả. Các nhà khoa học cần nghiên cứu ứng dụng các hệ thống tưới, thiết bị tưới, chế độ tưới thích hợp cho từng vùng, từng giống cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng nước. Đối với công tác giống, cần nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với điều kiện hạn, mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cà Mau là tỉnh duy nhất ở khu vực ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Tình trạng nắng hạn kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thương hàng hoá của người dân trong vùng. Trước tình trạng trên, tỉnh đã chủ động xây dựng Phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023 – 2025, quyết liệt tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ cho toàn vùng sản xuất. Đề cập phương án khắc phục cho toàn vùng ngọt hoá, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, địa phương đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi; trong đó đầu tư hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng có diện tích từ 500ha đến 1000ha. Đây cũng là một trong những giải pháp bảo vệ công trình trọng yếu, đường trục. Tỉnh thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn nhằm giảm nguy cơ sụt, lún các tuyến đê biển Tây do hạn hán, thiếu nước. Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí chống hạn phục vụ sản xuất vụ đông xuân và hè thu năm 2023 – 2024. Dự kiến, tỉnh sẽ đầu tư 5 hệ thống thuỷ lợi, kinh phí thực hiện khoảng 197.040 tỷ đồng. Kinh phí này được cho là xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé, đấu nối với dự án Quản lộ - Phụng Hiệp, gồm các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên Quốc lộ 1, với mục tiêu là chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô; điều tiết nước trong nội vùng từ vùng trũng sang vùng gò và ngược lại theo yêu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, tránh tiêu quá nhiều nước ngọt ra Sông Đốc và biển Tây. Hiện Sở NN&PTNT đã lên phương án xin hỗ trợ khẩn cấp 39,2 tỷ đồng, trong đó Sở sẽ cấp phát 758 bồn nước cho 1.344 hộ dân cư sinh sống phân tán, không có dụng cụ chứa nước; thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung. Đối với 997 hộ dân cư sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng, Sở sẽ kéo dài mạng đường ống tại 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài tuyến ống khoảng 83,5km. Tỉnh tiếp tục đầu tư dự án “Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn”, nguồn vốn đầu tư 180 tỷ đồng, cấp nước tập trung cho hơn 14.000 hộ dân, đáp ứng một phần nhu cầu người dân (chiếm khoảng 6% số hộ dân nông thôn). Mặt khác, tỉnh đang đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm. Việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ - Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau, trên địa bàn các huyện U Minh, Trần Văn Thời với diện tích là 90.000ha. XUÂN HƯƠNG |
Xem thêm: lmth.752061_gnu-hciht-ed-ig-mal-iouc-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc