Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-3, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt xác nhận đơn vị vừa có công văn gửi một số địa phương, các doanh nghiệp và các chi cục kiểm dịch thực vật về việc truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo công văn ngày 18-3, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động - thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị 30 doanh nghiệp vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định tại thông tư số 17-2021 về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Đồng thời thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp. Bao gồm cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc có nhiều lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo tác động tiêu cực đến ngành sầu riêng Việt Nam khi năm 2023 thị trường này nhập khẩu gần 500.000 tấn với giá trị khoảng 2,2 tỉ USD loại quả này. Các doanh nghiệp kỳ vọng năm 2024 xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ đạt 600.000 tấn với giá trị trên 3,5 tỉ USD.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, vấn đề tồn dư cadimi trong sầu riêng đặt ra bài toán quản lý vật tư nông nghiệp và chất lượng nông sản. Bởi liên tiếp các tháng cuối năm 2023, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã cảnh báo nguồn phân DAP nhập từ Hàn Quốc có nguy cơ chứa cadimi cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam.
Và điều trùng hợp là lượng phân bón nhập khẩu quý 3-2023 đó được dùng cho mùa vụ đến nay là thời điểm thu hoạch. "Chưa thể khẳng định nguồn phân DAP Hàn Quốc là nguyên nhân gây nên việc Trung Quốc cảnh báo sầu riêng. Tuy nhiên, nó đặt ra nhiều câu hỏi về quản lý của Bộ NN&PTNT", vị chuyên gia này nói.
Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty CP Vinacam, cho biết tháng 4-2023 đại diện nhà sản xuất Namhae (Hàn Quốc) thông báo không thể đảm bảo hàm lượng cadimi tối đa 12mg/kg theo quy định của Việt Nam và yêu cầu bỏ điều khoản này trong hợp đồng hoặc người mua phải cam kết không khiếu nại.
"Tại email ngày 10-4-2023, theo thông báo của đại diện nhà sản xuất Namhae, mức cadimi của lô mới nhất khoảng 28mg/kg nên chúng tôi không đồng ý", ông Hải nói. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, theo ông Hải, phía Hàn Quốc vẫn xuất bán hàng chục ngàn tấn phân DAP vào Việt Nam.
"Tôi đã từng cảnh báo nhiều lần rằng sản phẩm của công ty này vẫn được nhập về, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng như người tiêu dùng trong nước", ông Hải nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 24-8-2023 một nhà nhập khẩu phân DAP Hàn Quốc khác là Công ty T.N. đã gửi văn bản cho các đại lý thông báo thu hồi lô phân DAP Hàn Quốc nhập khẩu tháng 6-2023 với lý do phải "tiến hành xem xét sản phẩm...".
Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã cử đoàn kiểm tra đi lấy mẫu phân DAP Hàn Quốc tại các đại lý ở nhiều địa phương và kho tập kết hàng tại đường số 9, Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa công bố kết quả kiểm tra.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu điều tra nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang nước này nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.