FED hướng tới 3 lần hạ lãi suất
Tâm điểm của tuần vừa qua tại các thị trường quốc tế là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong 5 cuộc họp chính sách của một loạt nền kinh tế lớn của thế giới, FED luôn là cơ quan nhận được nhiều sự quan tâm lớn nhất, dù kết quả cuộc họp lần này đã nằm trong dự đoán của thị trường là FED vẫn giữ nguyên lãi suất.
Trái với một số lo ngại trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell phát tín hiệu FED vẫn đi đúng lộ trình 3 lần cắt giảm trong năm nay. Nguyên nhân có thể vì triển vọng về lạm phát cơ bản đã rõ ràng hơn. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, được cơ quan này dự báo cao cũng chỉ 2,6% trong năm nay và giảm dần về mức mục tiêu 2% trong 2 năm tới.
Ngoài ra, với điều kiện hiện nay, FED đã có thể hạ lãi suất nhưng cơ quan này thấy nền kinh tế dù trong điều kiện lãi suất cao vẫn tăng trưởng tốt, thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Họ chỉ còn phải chờ lạm phát chắc chắn xuống thấp hơn nữa mới bắt đầu hạ bởi nếu hạ ngay tức tăng cung tiền ra nền kinh tế, không khác gì "đổ thêm dầu vào lửa lạm phát".
Quang cảnh tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC (Ảnh: THX)
Thị trường đã phấn khích khi 3 chỉ số chứng khoán tăng cao kỷ lục ngay phiên kết thúc cuộc họp. Họ vui vì FED đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất, cho dù lạm phát gần đây có nhích tăng trở lại và lại càng vui hơn khi Chủ tịch FED phát đi tín hiệu có thể có 3 lần hạ lãi suất trong năm nay.
Cùng lạc quan như vậy, vị chiến lược gia tại quỹ Freedom Capital Markets bình luận: "Nhà đầu tư đang có niềm tin vào FED, việc hạ lãi suất sắp diễn ra. Thị trường cũng tin nền kinh tế sẽ hạ cánh mượt mà, mỗi lời nói của FED như đang hòa nhịp cùng nốt nhạc của thị trường".
Nhưng nhóm các chuyên gia thận trọng thì cho rằng thị trường phản ứng hơi quá. Vì Chủ tịch FED vẫn nói 3 lần hạ "miễn là" lạm phát vẫn đi xuống. Hơn nữa, họ cho rằng dù hạ 3 lần thì tổng mức hạ 0,75 điểm % vẫn không phải là mức quá đột biến.
Các ngân hàng trung ương lớn bước vào làn sóng hạ lãi suất
FED đã rất gần với việc giảm lãi suất và không chỉ có FED mà một loạt ngân hàng trung ương lớn khác cũng đang hướng tới chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Tuần qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ là cái tên "nổ phát súng" đầu tiên cho việc hạ lãi suất, khi điều chỉnh giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 3. Với các điều kiện lạm phát và tăng trưởng được xem là đang thuận lợi, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng sẽ sớm bước vào chu kỳ hạ lãi suất thời gian tới.
Ngay sau quyết định của FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã công bố giữ nguyên lãi suất và cho biết "kinh tế Anh đang đi đúng đường cho việc giảm lãi suất". Các số liệu tháng 2 với lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn kỳ vọng, đang củng cố thêm cho kịch bản này.
Ông Jeremy Hunt - Bộ trưởng Tài chính Anh - cho biết: "Các gia đình hôm nay sẽ thở phào nhẹ nhõm vì chúng tôi đang đi đúng hướng để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong hai năm rưỡi qua. Nhưng tín hiệu lạc quan nhất là lạm phát lương thực ở mức gần 20% một năm trước, bây giờ chỉ còn 5%".
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde (Ảnh: Getty Images)
Khu vực Eurozone cũng đã chứng kiến lạm phát hạ nhiệt đáng kể từ mức đỉnh hơn 10% cuối năm 2022 về con số 2,4% trong tháng 1 - rất gần với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan này vẫn có những phát biểu tương đối thận trọng.
Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - cho biết: "Các quyết sách của ECB phải dựa vào các dữ liệu kinh tế cũng như cập nhật theo từng cuộc họp. Điều này có nghĩa là kể cả sau khi cắt giảm lãi suất được lần đầu thì chúng tôi cũng không thể cam kết chắc chắn rằng sẽ tiếp tục theo con đường cắt giảm lãi suất. Dù tôi biết rằng đây là điều mà nhiều người đang mong mỏi".
Dù vậy, khi nhìn vào dữ liệu quan trọng nhất là lạm phát, giới phân tích vẫn đang rất lạc quan. Trong báo cáo mới đây, Goldman Sachs đã dự báo lạm phát lõi tại Mỹ và châu Âu sẽ về gần mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong năm tới. Lãi suất giảm cùng với giá năng lượng, thực phẩm hạ nhiệt và chuỗi cung ứng trở lại bình thường đang làm tăng thêm kỳ vọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu tránh rơi vào suy thoái trong thời gian tới.
Người dân Nhật Bản thích ứng với thời kỳ lãi suất dương
Nới lỏng tiền tệ đang trên đà trở thành xu hướng chủ đạo của các ngân hàng trung ương lớn của năm nay trừ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Trong tuần này, bên cạnh FED hay BOE, cuộc họp của BOJ cũng được chú ý với quyết định "lịch sử" tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ và chấm dứt lãi suất âm duy nhất còn hiệu lực trên thế giới hiện nay.
Sau quyết định bước ngoặt này, 3 ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản đã nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức 0,02% - vẫn là một con số rất nhỏ nhưng đã gấp 20 lần so với trước đây. Người dân và các doanh nghiệp Nhật Bản đã có những phản ứng khác nhau trước sự thay đổi chính sách mang tính lịch sử này.
Ông Satoaki Kanoh là Chủ tịch công ty sản xuất các sản phẩm nhựa Shinshi. Công ty đã được thành lập từ năm 1952 và đã đến thời điểm cần phải thay thế hàng loạt máy móc cũ. Việc BOJ tăng lãi suất đã khiến ông lo ngại rằng công ty mình khó có thể thanh toán các khoản vay ngân hàng.
Ông Satoaki Kano cho hay: "Chúng tôi dự định thay thế một chiếc máy mỗi năm. Như thế sẽ phải vay ngân hàng và chi phí vay ngân hàng sẽ trở thành một gánh nặng lớn với chúng tôi. Lãi suất càng cao số tiền mà chúng tôi phải trả lãi càng nhiều. Chi phí vay không còn rẻ như thời kỳ lãi suất âm nữa. Tôi thực sự lo lắng".
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)
Khác với ông Satoaki Kanoh, anh Haruka Yoda - một kỹ sư công nghệ thông tin - lại không mấy lo lắng về chính sách lãi suất của các ngân hàng. Mặc dù anh đang vay tiền để mua nhà, anh cho rằng việc tăng lãi suất sẽ không gây ra các vấn đề lớn.
"Tôi có chút lo lắng khi biết ngân hàng sẽ tăng lãi suất. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi nhận ra rằng lãi suất không tăng nhiều và ngay cả nếu lãi suất tăng cao thì tiền lương của tôi cũng sẽ tăng tương ứng và do vậy không chịu tác động đáng kể", anh Haruka Yoda chia sẻ.
Một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hàng hóa nước ngoài, còn kỳ vọng rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ giúp Nhật Bản củng cố sức mạnh của đồng Yen và giúp lĩnh vực tiêu dùng nội địa hồi phục.
Ông Yasunobu Tashiro - chủ khách sạn - cho biết: "Công việc kinh doanh của chúng tôi cần nhập khẩu nhiều hàng hóa, do vậy đồng Yen yếu có thể gây thiệt hại lớn. Có những thời điểm vì tỷ giá quá thấp mà chúng tôi phải trả đến 1,5 triệu Yen cho những mặt hàng chỉ đáng giá 1 triệu Yen. Nếu lãi suất tăng lên, đồng Yen cũng sẽ mạnh lên và tạo thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu hàng hóa".
Theo truyền thông Nhật Bản, BOJ dự định tăng lãi suất thêm một lần nữa có thể vào quý III năm nay. Việc tăng lãi suất sẽ giúp Nhật Bản đối phó tốt hơn với tình trạng lạm phát hiện nay và giúp nâng giá trị của đồng Yen trong dài hạn.
Dù là hướng tới hạ lãi suất như FED hay tăng như BOJ thì có thể thấy là các ngân hàng trung ương đều đang nỗ lực nhằm hướng tới ổn định tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế trong dài hạn. Với những điều kiện thuận lợi hơn trong năm nay, nhiều nền kinh tế lớn đã có thể sẵn sàng để bước vào một thời kỳ lãi suất mới trong năm nay và các năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.20444931132304202-uac-naot-gnou-gnurt-gnah-nagn-cac-ut-taus-ial-taogn-coub/et-hnik/nv.vtv