Kết thúc 6 tháng tranh cãi
Theo Hãng tin Reuters, rạng sáng 23-3 (giờ Washington D.C), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách tài khóa năm 2024 trị giá 1,2 tỉ USD với 74 phiếu thuận và 24 phiếu chống.
Sự kiện này diễn ra chỉ ít giờ sau khi dự luật này được thông qua bởi Hạ viện Mỹ, với 286 phiếu thuận và 134 phiếu chống.
Thực chất, gói ngân sách được thông qua ít phút sau 23h59 ngày 22-3 - hạn chót cho động thái này nếu không muốn Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Tuy nhiên, Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng đã khẳng định điều này không gây ảnh hưởng gì đến hoạt động của chính phủ.
Điểm đặc biệt của dự luật ngân sách này là chi đến 886 tỉ USD cho Bộ Quốc phòng, bao gồm việc tăng lương cho quân nhân Mỹ.
Thượng nghị sĩ Susan Collins (Đảng Cộng hòa), một trong những nhân vật chủ chốt trong quá trình đàm phán, chia sẻ: "Dự luật này thực sự là về an ninh quốc gia. Có đến 70% số tiền được thông qua dành cho quốc phòng, bao gồm các khoản đầu tư nhằm tăng khả năng sẵn sàng của quân đội cũng như nền tảng công nghiệp.
Dự luật cũng tăng lương và phúc lợi cho các quân nhân dũng cảm và hỗ trợ những đồng minh thân cận nhất của chúng ta".
Điều đáng chú ý khác của ngân sách mới là không bao gồm hầu hết các gói viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm các khoản cho Ukraine, Israel... Hôm 14-3, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết sẽ tính đến việc này sau khi ngân sách năm 2024 được thông qua.
Mâu thuẫn đảng phái vẫn chưa thuyên giảm
Hai cuộc biểu quyết trên đã chấm dứt chuỗi tranh cãi kéo dài 6 tháng trời giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về vấn đề ngân sách năm 2024.
Ở Mỹ, năm tài khóa bắt đầu từ đầu tháng 10 năm trước và kéo dài đến hết tháng 9 năm sau. Dự luật ngân sách trên lẽ ra đã phải được Quốc hội Mỹ thống nhất từ cuối tháng 9-2023. Tuy nhiên, bất đồng gay gắt về các vấn đề thu chi nhà nước giữa hai chính đảng khiến quá trình này bị trì hoãn đến nay.
Từ tháng 10-2023 đến nay, Washington hoạt động dựa vào chuỗi bốn dự luật ngân sách tạm thời lần lượt được lưỡng viện thông qua.
Với việc dự luật ngân sách năm tài khóa 2024 chỉ còn đợi được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật, các cơ quan nhà nước xứ sở cờ hoa sẽ không lo "hết tiền" cho đến hết tháng 9.
Tuy nhiên, dự luật ngân sách vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ một bộ phận Đảng Cộng hòa. Nhóm nghị sĩ này cho rằng các khoản chi được thông qua quá đắt đỏ.
"Quá liều lĩnh. Điều này sẽ dẫn đến lạm phát. Đây là cuộc biểu quyết nhằm trực tiếp cướp đi túi tiền của các bạn", Thượng nghị sĩ Rand Paul, một trong các nghị sĩ trên tuyên bố.
Ngay sau khi Hạ viện thông qua dự luật ngân sách, Dân biểu bảo thủ của Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene đã nộp kiến nghị phế truất ông Johnson khỏi vị trí chủ tịch cơ quan này.
Bà Greene phẫn nộ về việc ông Johnson đã cho phép Hạ viện thông qua dự luật trên, cho rằng gói ngân sách vừa được thông qua không tuân theo mong muốn của Đảng Cộng hòa.
Hiện bà Greene chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể cho việc kêu gọi phế truất ông Johnson, đồng thời khẳng định động thái trên trước tiên nhằm "cảnh báo" ông Johnson thôi làm trái lời nhóm bảo thủ ở đảng này.
Giám đốc CIA cảnh báo Ukraine sẽ đối mặt với một năm 2024 khó khăn khi chiến đấu với Nga, cho rằng việc Mỹ cắt viện trợ sẽ là một sai lầm "có tính lịch sử".