Chiều 23-3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ phối hợp Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức tọa đàm "Đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng".
Dùng điện vẫn thế, sao tiền điện phải trả lại tăng?
Tại tọa đàm, ông Võ Hải Ngọc Tài, một hộ dân ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), thắc mắc: "Tháng 2 vừa rồi gia đình chúng tôi sử dụng điện ít như tháng trước nhưng tại sao hóa đơn tiền điện lại quá cao?".
Giải đáp thắc mắc này, ông Bùi Quốc Hoan - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho rằng "qua theo dõi chúng tôi thấy thắc mắc của anh Tài cũng là thắc mắc phổ biến của người dân vào mùa nắng nóng là sao điện chúng tôi vẫn dùng điện như thế nhưng lại phải trả tiền nhiều hơn".
Ông Hoan cho biết qua thực tế theo dõi và qua nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học Bách khoa TP.HCM và Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho thấy nguyên nhân chính khiến tiền điện tăng cao là do điện năng sử dụng của khách hàng tăng cao dù khách hàng cảm nhận thời gian sử dụng điện vẫn như thế.
Theo thống kê của các chuyên gia thì riêng điện năng tiêu thụ của điều hòa nhiệt độ vào thời điểm nắng nóng chiếm từ 30% đến 65% lượng điện năng tiêu thụ của một hộ gia đình, thậm chí có trường hợp lên đến 80%.
Ngoài ra theo ông Hoan, người dân còn một thói quen là khi đi ngoài trời về, vào phòng thì bật điều hòa ở nhiệt độ thấp, làm lạnh sâu ở 21 - 22oC và sau đó quên điều chỉnh lại. Và việc quên này cũng góp phần đến cuối tháng nhận hóa đơn tiền điện thì phải "giật mình".
Giải pháp nào giảm chi phí hóa đơn tiền điện?
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Toàn - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang - đưa ra một số khuyến cáo mà ông cho rằng là "cơ bản, căn cơ" giúp người dân giảm hóa đơn tiền điện.
Chẳng hạn như khi chọn mua thiết bị sử dụng điện trong gia đình như tivi, máy giặt, tủ lạnh…, nên chọn thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đối với thiết bị chiếu sáng nên chọn đèn LED thay thế đèn thế hệ cũ.
Khi sử dụng điều hòa, cần bật ở mức 26oC trở lên để giảm tiêu thụ điện năng, đến khi đạt độ mát rồi thì sử dụng quạt gió thay cho điều hòa cũng là giải pháp giảm sử dụng điện.
"Ngoài ra chúng ta có thể tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên để giảm chi phí sử dụng diện và nên kiểm tra, tắt các thiết bị điện khi chúng ta không sử dụng", ông Toàn khuyến cáo thêm.
Nắng nóng còn kéo dài tới giữa tháng 5
Tại tọa đàm, PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) - cho biết theo dự báo của các đài khí tượng thủy văn và kinh nghiệm nắng nóng những năm gần đây, hiện nay mùa khô có khuynh hướng kéo dài và nắng nóng với nền nhiệt độ cao có thể kéo dài đến hết tháng 4.
Sau đó sang tháng 5 mới có những trận mưa đầu mùa, thời tiết dịu hơn và người dân Đồng bằng sông Cửu Long mới thoát khỏi cảnh nắng nóng.
Theo ông Tuấn, hiện nay tại TP Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long nhiệt độ phổ biến ở mức 31 - 32oC, một số điểm trên đường phố mức nhiệt đo được 35 - 36oC, tia UV trong không khí cũng cao.
"Đến hết tháng 4, nhiệt độ có thể giảm đi nếu có những trận mưa. Hy vọng qua giữa tháng 5 nhiệt độ trung bình ở Cần Thơ ở mức 27 - 28oC trở lại", ông Tuấn nói.
Dự báo năm nay nắng nóng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn, mùa mưa ở Nam Bộ đến muộn. Ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có nguy cơ hạn hán.