Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Nhiều bạn làm thêm, đa dạng nghề như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online hoặc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán ăn... Tuy nhiên nếu sa đà làm thêm có thể ảnh hưởng đến việc học tập, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan lừa đảo, bóc lột sức lao động, sa ngã vào các tệ nạn xã hội…
Hiện Việt Nam đã có lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng để bảo vệ người lao động. Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ quy định các mức lương tối thiểu giờ tăng 6% từ 1-7-2024.
Cụ thể, vùng 1 là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.
Danh mục địa bàn thuộc vùng 1, 2, 3, 4 áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo phụ lục ban hành kèm theo nghị định 38/2022/NĐ-CP tham khảo tại đây.
Thời điểm này vốn được xem như mùa tăng thêm của sinh viên, khi các bạn dần hoàn tất thi học kỳ với ước mong có thêm nguồn thu trang trải việc học, cũng là mong cái Tết đủ đầy hơn.