Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; các tỉnh, thành ĐBSCL, TP.HCM và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL, trong tương lai gần đáp ứng nhu cầu thị trường cho khoảng 18 triệu dân trong vùng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Long, tạo ra xung lực mới để tỉnh tăng tốc phát triển KT-XH.
Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn của tỉnh Vĩnh Long như: biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục; nhân lực chất lượng cao; không có các trung tâm công nghiệp lớn để hiện đại hóa nông nghiệp bằng công nghiệp; chưa kết nối được chuỗi sản xuất và cung ứng…
Thủ tướng nêu một số giải pháp khắc phục những khó khăn nêu trên và mong muốn tỉnh Vĩnh Long phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững; có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác T.Ư đã đi thực địa, khảo sát tại nhiều địa điểm ở khu vực phía đông của tỉnh Tiền Giang.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết toàn tuyến đê biển Gò Công có chiều dài hơn 21 km. Chiều dài tuyến đê giảm sóng xa bờ đã được đầu tư 9,077 km. Đoạn đê trực diện với biển được bảo vệ bằng kè mái nghiêng lát mái dài 11,279 km. Phần hơn 6,8 km đê giảm sóng xa bờ thuộc dự án vẫn chưa bố trí được nguồn vốn nên phải tạm dừng thi công. Tổng kinh phí xây dựng phần đê này hơn 366 tỉ đồng.
Tuyến đê biển Gò Công có ý nghĩa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 600.000 hộ dân, trong đó có gần 54.000 ha đất tự nhiên thuộc các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX.Gò Công và một phần H.Chợ Gạo.
Tại buổi thực địa đê biển Gò Công, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan sử dụng nguồn vốn ngân sách dự phòng T.Ư năm 2024 để hỗ trợ tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 6,8 km đê giảm sóng xa bờ.
Cũng trong chuyến thực địa khảo sát tại Tiền Giang, Thủ tướng cùng đoàn công tác T.Ư đã đến đặt tràng hoa và thắp hương tại Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định.