Gạo An Giang đã có mặt tại 60 thị trường khác nhau trên thế giới
Theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, diện tích gieo trồng lúa hàng năm bình quân khoảng 630 nghìn ha, sản lượng khoảng hơn 4 triệu tấn/năm (các giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80-90%), chiếm khoảng 10% sản lượng lúa hằng năm của cả nước.
Tỉnh An Giang có 14/167 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, công suất xay xát thực tế trên 3,2 triệu tấn/năm. Hiện sản phẩm gạo đã có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là: gạo thơm, gạo trắng, gạo lức, gạo đồ, tấm, nếp,....
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,381 tỷ USD, tăng 2,08% so cùng kỳ, vượt 0,4% so với kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,179 tỷ USD, tăng 2,75% so cùng kỳ, vượt 0,3% so với kế hoạch.
Riêng mặt hàng gạo, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất đến 60 thị trường khác nhau trên thế giới, đạt gần 580 nghìn tấn, tương đương 339 triệu USD; so với cùng kỳ tăng trên 9% về sản lượng và tăng gần 16% về kim ngạch.
Theo báo Công Thương, điểm sáng xuất khẩu gạo năm 2023 của An Giang là Công ty CP Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường EU. Gạo An Giang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Trung Quốc khi 2 nước này tăng cao nhu cầu mua gạo. Bên cạnh đó, gạo An Giang còn xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Malaysia, Australia… và một số thị trường như Nga, Bangladesh.
Năm 2024, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 1,41 tỷ USD, tăng 2,6% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,185 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 225 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, An Giang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD.
Hướng đến mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 330 triệu USD
Theo Bnews, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch, An Giang tập trung tăng trị giá xuất khẩu gạo. Giai đoạn 2020 - 2023, lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm của tỉnh đạt khoảng 540.000 tấn, trị giá đạt bình quân hằng năm từ 293 triệu USD.
Giai đoạn 2024 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm của tỉnh đạt từ 570.000 - 600.000 tấn, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định. Dự kiến giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang đến năm 2030 đạt 330 triệu USD.
Theo đó, tỉnh tập trung cơ cấu mặt hàng gạo xuất khẩu. Đến năm 2030, tỉ trọng gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 27% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khỏang 32%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 24%, gạo nếp chiếm khoảng 10%. Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng trên 8%.
Ngành lúa gạo An Giang phấn đấu xuất khẩu gạo đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỉ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường châu Phi chiếm khoảng 12%; thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 3%; thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%; tỉ trọng 6% còn lại là ủy thác xuất khẩu.
Theo đó, ở thị trường châu Á, thị phần gạo An Giang tiếp cận vào thị trường nhập khẩu gạo của Hàn Quốc và Nhật Bản; giữ vững thị phần xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, thị trường Trung Quốc và các khu vực còn lại. An Giang đẩy mạnh thâm nhập các thị trường châu Phi, đặc biệt ở các nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo lớn; khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê-út, UAE.
Tại thị trường châu Âu, tỉnh tăng khối lượng gạo xuất khẩu vào khu vực, tương xứng với tiềm năng của thị trường. Thị trường châu Mỹ, châu Đại Dương tập trung phát triển thị trường gạo An Giang tại các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Canada, Chile, Mexico và Peru...
Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện nghiên cứu chọn lọc, lai tạo giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chú trọng phát triển các giống lúa cho sản phẩm gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo hạt tròn, gạo nếp và một số giống lúa đặc sản vùng miền, loại bỏ việc canh tác các giống lúa kém chất lượng, không hiệu quả.
Theo ông Phước, An Giang sẽ tập trung phát triển thương hiệu gạo thân thiện môi trường để hướng tới các thị trường tiêu chuẩn cao, giá trị cao; đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu như: Loc Troi 1, Loc Troi 28... nhằm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng gạo thơm chất lượng cao. Đẩy mạnh đưa mặt hàng gạo An Giang vào hệ thống phân phối nước ngoài; hỗ trợ các thương nhân thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc.
Thời gian tới An Giang cũng đổi mới việc xúc tiến thương mại; hỗ trợ các thương nhân kinh doanh gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo thông qua chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu gạo vào các thị trường trọng điểm, truyền thống và các thị trường mới, tiềm năng.
Hiện nay, tỉnh An Giang đang cùng với doanh nghiệp của tỉnh, triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi có sản phẩm gạo thương hiệu, ông Nguyễn Thành Huân đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ An Giang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm gạo của tỉnh trong thời gian tới.
Minh Hoa (t/h)