Trước đó hơn 1.000 chủ rừng ở Quảng Bình nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon cho thấy kiếm tiền từ bảo vệ môi trường không còn là chuyện của tương lai xa nữa.
Ngoài rừng, điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp... đều là những ngành tiềm năng kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon trong thời gian tới.
Rừng đem tiền về cho cộng đồng
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng, cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB.
Bà Carolyn Turk - giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - cho biết khoản chi trả này là bước ngoặt, đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Còn ông Nguyễn Ngọc Tùng - giám đốc Quỹ VinaCarbon - cho biết việc Việt Nam nhận được khoản tiền từ chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng đã cho thấy sự quan tâm lớn của các tổ chức nước ngoài đối với các dự án carbon tại Việt Nam.
Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên được chi trả tiền bán tín chỉ carbon. Theo ông Mai Văn Minh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đến nay hơn 80 tỉ đồng tỉnh này nhận được sau khi bán tín chỉ carbon đã được chia về tận tay các chủ rừng. Riêng về các hộ dân được giao rừng thì có hơn 1.000 hộ đã được nhận khoản tiền này.
"Như năm 2023 thì mỗi hecta được chia gần 200.000 đồng. Sở mở tài khoản riêng cho các chủ rừng rồi chuyển tiền từ nguồn bán tín chỉ carbon này cho từng chủ rừng", ông Minh thông tin.
Trong danh sách được chia tiền bán tín chỉ carbon của Quảng Bình, chủ rừng là các tổ chức, công ty lâm nghiệp được chia nhiều nhất với tổng số tiền là hơn 58 tỉ đồng. Chủ rừng là UBND các xã được chia hơn 11,5 tỉ đồng. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được chia tổng số tiền hơn 8 tỉ đồng. Chủ rừng là cộng đồng được chia gần 2 tỉ đồng.
Cũng theo ông Minh, đây là mức tính theo giá tín chỉ carbon của giai đoạn 2023 - 2025. Sau năm 2025 khi thị trường carbon thành tự do thì giá carbon sẽ tăng lên.
"Đây mới thí điểm trên 469.000ha rừng tự nhiên. Trong khi đó Quảng Bình còn có một diện tích rất lớn rừng trồng cũng có thể đưa vào khai thác carbon. Nếu khai thác hết có thể gấp đôi con số 4,5 triệu tấn carbon của giai đoạn thí điểm vừa qua. Đây là tiềm năng cho ngành nông nghiệp, nguồn lợi tương đương khai thác gỗ trước đây", ông Minh nói.
Còn ông Phạm Đăng An - giám đốc VP Carbon Solutions - cho rằng mặt tích cực của việc WB chi trả hơn 1.200 tỉ đồng tiền bán tín chỉ carbon từ rừng đối với Việt Nam đó là một khoản chi trả minh bạch, mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng như cho thấy chúng ta đã bán được tín chỉ carbon với khối lượng vượt trội khi thu được kết quả giảm phát thải vượt quá hợp đồng.
Nhiều ngành sẽ "hái ra tiền"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Võ Trường An - phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) - cho biết thị trường tín chỉ carbon năm 2024 của Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng lên đến 20%.
Nguyên nhân là do Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực giảm phát thải khí nhà kính từ các hiệp định quốc tế như thỏa thuận Paris và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo ông An, ngoài rừng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo hay trồng cây xanh đô thị. Việt Nam có tiềm năng lớn khi có nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện dồi dào. Các dự án năng lượng tái tạo có thể tạo ra tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải khí nhà kính do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tương tự, TS Nguyễn Hồng Quân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - cho hay dư địa tín chỉ carbon năm 2024 còn lớn, không chỉ từ rừng mà còn các ngành năng lượng tái tạo, nông nghiệp...
Trong đó ngành nông nghiệp đặc biệt tiềm năng nhờ các hoạt động cải thiện điều kiện canh tác tương đối dễ dàng, có thể chuyển đổi nhanh chóng.
Ngoài ra nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, sản xuất công nghiệp, giao thông, vận tải xây dựng cũng là lĩnh vực tiềm năng, song các lĩnh vực này cần nhiều thời gian, nguồn lực lớn để thay đổi về hạ tầng, kỹ thuật, đầu tư máy móc.
Ông Phạm Đăng An cho hay tiềm năng thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam rất lớn và đang có cơ hội thuận lợi để phát triển. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều doanh nghiệp cũng đã cam kết và đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon. Nhu cầu tín chỉ carbon lớn là cơ hội để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông An cho rằng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ chưa thể sôi động ngay trong năm 2024 do nước ta mới đang trong quá trình xây dựng thị trường, dự kiến sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025 và sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028.
Cần sớm có hành lang pháp lý
TS Lê Xuân Nghĩa - viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) - cho biết muốn tạo lập được thị trường cần có ít nhất 500 - 1.000 người bán và cũng cần có 500 - 1.000 người mua cùng một đội ngũ tư vấn, kiểm toán và nhà tổ chức sàn giao dịch với hàng loạt các quy định về kỹ thuật, công nghệ, thanh toán, lưu ký...
Theo ông Nghĩa, hành lang pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất là tạo ra được hàng hóa chuẩn và ba bộ phận cấu thành thị trường (người mua - người bán - trung gian). Công việc này cần rất nhiều thời gian cả ở Chính phủ, các bộ và quan trọng hơn là doanh nghiệp, hệ thống thống kê, kiểm toán.
"Nếu Chính phủ không ban hành hạn ngạch có tính bắt buộc và thách thức và nếu doanh nghiệp không kiểm kê báo cáo được phát thải CO2 thì sẽ không có hàng hóa và cũng không có các bộ phận hợp thành thị trường. Có thể thấy để có được sàn giao dịch thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028 là nhiệm vụ cấp bách và phức tạp cần được chuẩn bị khẩn trương hơn hiện tại rất nhiều", ông Nghĩa nhận định.
Theo ông Nghĩa, nghị định 06 và các thông tư hướng dẫn đã quy định các bước chuẩn bị cho việc hình thành sàn giao dịch carbon. Đặc biệt nghị định và thông tư hướng dẫn đã quy định cụ thể gần 2.800 doanh nghiệp thuộc một số ngành có phát thải carbon lớn phải có báo cáo phát thải khí nhà kính song đến nay vẫn mới có ít doanh nghiệp báo cáo.
Trong khi đó, ông Trường An cho rằng để phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, Nhà nước cần phát triển và công bố các quy định chi tiết, rõ ràng về mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng thị trường thương mại tín chỉ carbon để các đối tác có thể gặp nhau, thực hiện giao dịch mua bán một cách minh bạch và hiệu quả.
TP.HCM cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp
Là địa phương đầu tiên của cả nước được trao quyền thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để giảm phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp đề xuất để TP.HCM sớm tạo lập cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia thị trường carbon như xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Võ Trường An - phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN - đề xuất cần có chính sách miễn, giảm thuế, phí đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon. Đồng thời, TP cần thúc đẩy phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các dự án có khả năng tạo ra tín chỉ carbon.
Nhiều địa phương vẫn đợi hướng dẫn
Ông Lê Văn Hải - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau - cho biết Cà Mau hiện chưa triển khai bán tín chỉ carbon, tỉnh mới đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về vấn đề này.
Cà Mau có hơn 94.000ha đất rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm hơn 53.800ha, rừng phòng hộ chiếm hơn 21.400ha và hơn 18.700ha rừng đặc dụng. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để khai thác, thương mại, phát triển thị trường carbon rừng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Dân làng Kenya thu lợi từ "bán không khí"
Theo trang thông tin của Liên Hiệp Quốc, ở Kenya, người dân tại làng ven biển đang bán tín chỉ carbon cho các tập đoàn lớn. Khi được hỏi đang kinh doanh gì, họ nói: "Chúng tôi bán không khí".
Những người dân làng này đang tham gia vào sáng kiến "Mangroves Together" hay Mikoko Pamoja nhằm thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn để đạt được "lợi ích ba bên": giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao sinh kế cộng đồng.
Quỹ Plan Vivo (trụ sở tại Anh) xác nhận dự án Mikoko Pamoja bán ít nhất 3.000 tấn CO2 mỗi năm trong 20 năm, 2013 - 2033, tạo ra doanh thu hằng năm khoảng 130.000 USD.
Ngành gỗ có cơ hội lớn
Ông Nguyễn Ngọc Tùng - giám đốc Quỹ VinaCarbon - cho hay tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp ngành gỗ để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam nhằm giúp quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất lớn.
Theo ông Tùng, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng, trong số đó gần một nửa là rừng sản xuất. Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ nhận đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải thì nguồn thu không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ, lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon.
"Ví dụ hoạt động trồng rừng gỗ lớn cần đầu tư ban đầu nhiều thời gian và chi phí, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ sản phẩm lâm nghiệp sẽ cao hơn từ 3 - 4 lần. Ngoài ra tuổi thọ cây kéo dài cũng giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu từ tín chỉ carbon", ông Tùng nói.
Ai sẽ mua tín chỉ carbon?
TS Vũ Tấn Phương - giám đốc Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCO) - cho hay với diện tích rừng hiện tại khoảng 14,7 triệu ha, lượng carbon lưu giữ trong sinh khối cây rừng được ước tính là khoảng 612 triệu tấn, tương đương 2,2 tỉ tấn CO2, trong đó khoảng 80% lưu giữ ở rừng tự nhiên.
Kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho thấy lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất có phát thải ròng âm, tức lượng hấp thụ carbon của rừng lớn hơn lượng phát thải. Tính trung bình trong giai đoạn 2010 - 2020, lượng phát thải ròng trung bình/năm trong lâm nghiệp khoảng -40 triệu tấn CO2 tương đương. Nếu quy ra giá trị bằng tiền để giảm 40 triệu tấn CO2 tương đương sẽ khoảng 3.500 tỉ đồng với giả định chi phí giảm phát thải 1 tấn CO2 tương đương là 5 USD.
Ông Phương cho hay việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam và tạo nguồn tài chính bổ sung từ các hoạt động mua bán, trao đổi và thương mại tín chỉ carbon tại thị trường carbon trong nước và quốc tế.
"Hiện nay Chính phủ đang xây dựng thị trường carbon trong nước và khi đi vào hoạt động sẽ mở ra các cơ hội về mua bán, trao đổi, thương mại tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong các hoạt động lâm nghiệp", ông Phương nói.
Thị trường carbon trên thế giới đang khá sôi động với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 và theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Trong xu hướng chuyển dịch xanh, số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lượng phát thải ngày càng tăng lên. Đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng mua tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs) tại Việt Nam.
Bên cạnh đó sẽ có các đơn vị, tổ chức quốc tế như các ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hợp tác toàn cầu... tham gia như một phần của thị trường. Còn tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nội cũng đã rục rịch tìm mua tín chỉ carbon và tìm cách giảm phát thải để tránh bị đánh thuế, giảm lợi thế cạnh tranh khi xuất hàng sang EU.
Ông Phạm Đăng An - giám đốc VP Carbon Solutions - cho hay dù chưa vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức nhưng Việt Nam đã gián tiếp tham gia các hoạt động mua bán tín chỉ carbon thông qua một số đề án như Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là cần thiết giúp khai thác tiềm năng này, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon cũng như xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. "Khi thị trường đi vào hoạt động, sẽ có sự tham gia của cả các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế. Thị trường sẽ vận hành hiệu quả khi có hành lang pháp lý phù hợp", ông An nói.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Một tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ bán được 5 đô la, rừng Amazon bán được 1,5 đô la nhưng một tín chỉ carbon của đơn vị tái chế nhựa có khi bán được đến 100 đô la.