Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), lúc 8h05 sáng 25-3, một trận động đất có độ lớn 4 độ xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, Hà Nội, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km.
Tại nơi tâm chấn trận động đất, ông Phan Đức Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Bột Xuyên, huyện Chương Mỹ cho biết rung lắc kéo dài khoảng 5 giây.
"Chúng tôi vừa chào cờ xong thì cảm nhận thấy rung lắc. Một số cán bộ văn phòng thấy lọ hoa, cây để trên bàn rung rung. Qua kiểm tra nhanh, chưa ghi nhận thiệt hại" – ông Trọng nói với Tuổi Trẻ Online.
"Tôi đang ngồi ăn sáng thì thấy chóng cả mặt, mái tôn dập dình, rung cả tường trong khoảng 4-5 giây" – chị Phương Thảo (ở xã Bột Xuyên) chia sẻ.
Tại một số tòa nhà cao tầng ở quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm,... người dân cũng cảm nhận rõ rung lắc.
"Tôi đang ngồi làm việc thì thấy rung lắc tầm 3 – 4 giây, cảm giác như tiền đình" – anh Lê Hùng (ở quận Thanh Xuân) nói.
Viện Vật lý địa cầu đánh giá trận động đất này có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, vào ngày 13-1, một trận động đất mạnh 2,8 độ xảy ra tại khu vực huyện Lương Sơn, Hòa Bình, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Khu vực xảy ra động đất giáp với nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và chỉ cách trung tâm Hà Nội 50-100km.
Người dân sống trong khu vực tâm chấn có thể cảm nhận được rung chấn nhẹ từ trận động đất này.
Tại Việt Nam, các trận động đất từ 4 - 4,9 độ được đánh giá là các trận động đất nhẹ. Khi xảy ra động đất, các đồ vật trong nhà rung động và phát ra tiếng ồn. Nhiều người cảm nhận được động đất. Nhìn chung không gây thiệt hại hoặc thiệt hại nhẹ.
Từ ngày 5 đến 18-3, Viện Vật lý địa cầu phát đi 24 bản tin động đất ở huyện Kon Plông, Kon Tum. Riêng ngày 16-3 có 8 đợt động đất. Tâm chấn ở Kon Tum nhưng người dân huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi cũng ảnh hưởng.