Sáng 25.3, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 3 trận động đất tại H.Kon Plông (Kon Tum). Theo đó, trận động đất thứ nhất xảy ra lúc 3 giờ 54 với độ lớn 3,2 độ Richter. Trận động đất tiếp theo có độ lớn 3,7 độ Richter xảy ra lúc 5 giờ 57. Trận động đất thứ 3 được ghi nhận có độ lớn 4,0 độ Richter xảy ra lúc 8 giờ 5.
Cả 3 trận động đất đều có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Anh T., sống tại xã Đăk Nên cho biết, gần 4 giờ ngày 25.3, anh giật mình thức giấc khi nghe nhiều tiếng nổ ầm ầm trong lòng đất. Ngay sau đó nhà cửa rung lắc khiến anh bật dậy, lao ra khỏi nhà.
Khi rung chấn đi qua, anh T. trở lại phòng nhưng vẫn thấy bất an. 2 tiếng đồng hồ sau, xuất hiện trận động đất thứ 2, anh T. nhanh chóng rời khỏi nhà khi có rung chấn.
Cũng theo anh T., ngày 24.3, chính quyền địa phương bê tông hóa tuyến đường lên trạm y tế xã. Đến sáng 25.3, khi đi qua tuyến đường này, anh T. phát hiện hàng trăm vết nứt cắt ngang mặt đường.
"Người dân cũng đã quen với động đất rồi. Nhưng từ đầu tháng đến nay, động đất có chiều hướng mạnh lên, xuất hiện nhiều hơn. Đường bê tông vừa làm xong thì sáng nay xuất hiện hàng trăm vết nứt", anh T. nói.
Ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết đã nghe thông tin về việc tuyến đường bê tông rộng 3 m, dài khoảng 100 m dẫn lên trạm y tế xã bị nứt sau khi xảy ra động đất. "Vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây nứt đường là do động đất hay do chất lượng. Sáng nay chúng tôi đi kiểm tra tuyến đường trên, khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin đến báo chí", ông Nam nói.
Thời gian qua, trên địa bàn H.Kon Plông xảy ra hàng trăm trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,7 độ Richter. Theo các chuyên gia, động đất xảy ra tại H.Kon Plông là động đất kích thích. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động tích, xả nước của các thủy điện trên địa bàn làm thay đổi trường ứng suất trong khu vực, dẫn đến động đất.
Để ứng phó với động đất, tỉnh Kon Tum yêu cầu các nhà máy thủy điện xây dựng 8 trạm quan trắc động đất truyền thông tin liên tục, cảnh báo sớm các dấu hiệu động đất cường độ lớn. Tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các nhà máy thủy điện chủ động triển khai phương án ứng phó sự cố bất thường xảy ra, nhất là sự cố về động đất, dư chấn động đất.