Theo tìm hiểu, đề thi học sinh giỏi văn đang gây xôn xao trên mạng thuộc kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh THPT đợt 2 năm học 2023-2024, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam tổ chức, ngày thi 15-3.
Đã bình luận, sao còn làm sáng tỏ?
Trong đó nội dung câu 2 đang gây tranh cãi khi cho đoạn trích và yêu cầu "bình luận, làm sáng tỏ ý kiến trên".
Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến quanh cách ra đề. Thứ nhất, hai yêu cầu "bình luận" và "làm sáng tỏ" là mâu thuẫn nhau vì nó thuộc vào hai mệnh lệnh không thể cùng lúc thực hiện và khiến thí sinh "không biết lối nào mà lần". Giải thích và bình luận thì chấp nhận được, chứ bình luận và làm sáng tỏ thì không.
Cạnh đó, trích dẫn trong đề nhấn mạnh sự thất bại của "rất nhiều" người viết văn, và đề yêu cầu hãy bình luận làm sáng tỏ cái ý được nhấn mạnh ấy. Vậy theo logic, thí sinh phải đi tìm những người thất bại bằng các tác phẩm thất bại của họ để bình luận làm sáng tỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng đề ra như thế này làm khổ học sinh, không biết viết kiểu gì.
Sở Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thái Viết Tường - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - cho hay sẽ cho kiểm tra rồi trao đổi lại.
Trong khi đó ông Lê Văn Hiệp - chuyên viên phòng giáo dục trung học, cán bộ phụ trách môn văn của Sở Giáo dục và Đào tạo - nói việc cộng đồng mạng có ý kiến thuận chiều - trái chiều đối với đề thi văn là bình thường.
Người có trách nhiệm liên quan sẽ tiếp thu, chọn lọc thông tin hữu ích để phục vụ cho công tác chuyên môn.
"Liên quan đến nhận định dở - hay của đề thì tôi xin không bàn. Mỗi người có một cách hiểu riêng, tôi không phủ nhận những cách tiếp cận, tôi không bàn đề đó như thế nào", ông Hiệp nói.
Lý giải thêm về đề, ông Hiệp cho biết chỗ này có 2 yêu cầu. Thứ nhất là yêu cầu bình luận là để thí sinh thể hiện năng lực hiểu vấn đề, đánh giá, bàn luận về vấn đề.
Bình luận sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận, trong bình luận cũng có chứng minh, nhưng chứng minh trong bình luận thường dùng để soi sáng lập luận.
Yêu cầu "làm sáng tỏ" là yêu cầu để học sinh chọn những tác phẩm, tác giả phân tích, chứng minh sâu hơn vấn đề.
Đây là yêu cầu để thí sinh thể hiện năng lực đọc hiểu, vận dụng kiến thức để làm rõ vấn đề cần bình luận trong đề, nhất là kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 môn ngữ văn chuyên.
"Cho nên hội đồng đề có ý vừa kiểm tra các em về kỹ năng lập luận để giải quyết một vấn đề, vừa kiểm tra các em vận dụng các kiến thức văn học để soi sáng cho vấn đề mà mình bình luận. Đó là hai yêu cầu, quan điểm này những cán bộ ra đề vẫn giữ từ trước đến nay, vẫn ổn, Quảng Nam vẫn chọn được học sinh đi thi có kết quả chất lượng tốt", ông thông tin.
Đối với ý kiến cho rằng đề yêu cầu bình luận và làm sáng tỏ mâu thuẫn với nhau, học sinh bị rối, ông Hiệp khẳng định yêu cầu đó đối với một học sinh giỏi chuyên là không rối, vẫn làm tốt: "Sau khi các em bình luận, giải quyết vấn đề thì có thể chứng minh hoặc kết hợp giữa bình luận và chứng minh, điều này không rối, bình thường".
Học sinh hiểu đề thi, làm bài tốt
"Kỳ thi vừa qua chất lượng bài thi tốt, có độ phân hóa rõ ràng, không có dư luận gì về việc chấm thi, khi học sinh được sở thông báo kết quả thì không có vấn đề gì hết. Người ta đánh giá rất tốt về công tác đề, chấm thi. Kết quả điểm thi cũng phân hóa được học sinh, phản ánh các em hiểu được đề và làm đề tốt" - ông Lê Văn Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho biết việc ra đề thi là có ban ra đề, hội đồng phản biện.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định "một vài sự cố không có nghĩa là quy định về yêu cầu chọn ngữ liệu đề thi văn trong công văn 3175 là máy móc".