Ngày 25.3, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HQĐT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo. Các luật sư tiếp tục bào chữa cho bị cáo trong vụ án.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, bị Viện KSND TP.HCM đề nghị từ 19 – 20 năm tù về tội tham ô tài sản), luật sư cho rằng, không có ý kiến về tội danh, nhưng mong HĐXX bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Phương Anh lúc đó cần có tiền trả viện phí cho vợ, nuôi bố mẹ. Bản thân bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi ích gì, mức lương cao nhất từ 70 triệu - 120 triệu đồng/tháng.
Luật sư cho hay, hành vi của Nguyễn Phương Anh không phải là nguyên nhân gây ra trực tiếp thiệt hại trong vụ án.
Về trách nhiệm dân sự, trong quá trình điều tra, bị cáo Phương Anh nộp 300 triệu đồng, số tiền này vợ của bị cáo phải vay mượn để khắc phục thiệt hại vụ án.
Xem nhanh 12h ngày 25.3: Diễn biến phiên toà xét xử Vạn Thịnh Phát
Theo luật sư, do thiếu hiểu biết luật pháp, nên bị cáo Phương Anh đã mù quáng thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Không hề nghĩ được việc làm đó dẫn đến trách nhiệm hình sự hôm nay gánh chịu. Từ khi vụ án chưa được khởi tố bị cáo Phương Anh đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, giảm thiểu thiệt hại cho vụ án.
Luật sư trình bày: "Bị cáo Phương Anh đứng tên là Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula cho có lệ, chứ không có quyền đúng nghĩa của Phó tổng giám đốc. Vì vậy, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo có thể trở về chăm sóc vợ con, gia đình".
Sau khi luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Phương Anh không có ý kiến thêm, chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, Nguyễn Phương Anh là Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, giúp sức cho Trương Mỹ Lan trong việc quản lý, điều hành tìm người đứng tên đại diện pháp luật các công ty "ma", đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền tạo dựng hồ sơ vay vốn khống và rút tiền giải ngân tại SCB.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn giao cho Nguyễn Phương Anh theo dõi toàn bộ việc thu, chi tiền giải ngân từ SCB và các nguồn tiền khác; phối hợp với các bị cáo khác để "giải quỹ" các khoản vay đã được SCB được giải ngân vào tài khoản công ty thụ hưởng cuối cùng.
Cáo trạng xác định, hành vi của Nguyễn Phương Anh đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 297.417 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 128.730 tỉ đồng.
'Không biết phạm tội gì mà phải chịu hình phạt ngang ngửa các sếp'
Đến phiên bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư cho rằng Viện KSND TP.HCM đề nghị 19 – 20 năm tù về hành vi tham ô tài sản là nặng so với mức hành vi của bị cáo. Chồng của bị cáo Tâm mới mất được 2 năm, nay là mẹ đơn thân, nên mong bị cáo được xem xét giảm nhẹ mức án.
Theo luật sư, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm chỉ có nghiệp vụ trung cấp kế toán, nên năng lực quản lý của bị cáo còn hạn chế. Luật sư cho rằng ngồi ở vị trí đó thì bị cáo Tâm hay bất cứ người nào cũng phải làm theo chỉ đạo.
Được tự bào chữa bổ sung, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm nói rằng, công việc quản lý thì bị cáo chỉ quản lý tài sản công ty, tài sản thế chấp ở Vạn Thịnh Phát chứ bị cáo không quản lý dư nợ của các công ty vay.
Theo bị cáo Tâm, về việc giải quỹ, từ đầu đến cuối bị cáo không biết gì vấn đề này, cáo buộc thể hiện bị cáo tham gia lên phương án giải quỹ đối với số tiền đã được SCB giải ngân là không đúng. Bị cáo vừa khóc vừa nói rằng do phòng không có ai quản nên mới được bổ nhiệm chức vụ.
"Bị cáo không biết mình phạm pháp tội gì mà bị cáo phải chịu hình phạt ngang ngửa các sếp. Bây giờ bản thân bị cáo đi làm nuôi con, nuôi mẹ già, nhưng giờ bị đề nghị mức án 19 - 20 năm tù bị cáo không biết làm sao", bị cáo Hoài Tâm nói.
Vừa khóc vừa nghẹn ngào nói: "Bị cáo mong HĐXX giảm án cho bị cáo", lúc này chủ tọa trấn an, mời bị cáo về chỗ để ổn định tinh thần.
Theo cáo trạng, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm làm việc tại Văn phòng HĐQT của Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ tháng 9.2011, ban đầu Tâm có nhiệm vụ quản lý, theo dõi tài sản của 2 công ty trên và các tài sản của Trương Mỹ Lan nhưng giao các cá nhân đứng tên sở hữu, đồng thời theo dõi các thông tin về việc thế chấp tài sản, dư nợ các khoản vay tại SCB và đưa thông tin các tài sản vào thế chấp cho SCB khi có yêu cầu của Lan.
Vụ án Trương Mỹ Lan: Hơn 2.000 người ký tên xin giảm án cho Nguyễn Cao Trí
Từ ngày 15.11.2019, Tâm phụ trách, quản lý, điều hành mọi hoạt động của Văn phòng HĐQT, theo dõi tổng thể thông tin các công ty "ma", cá nhân đứng tên khoản vay, cổ đông, việc hứa chuyển nhượng cổ phần và tài sản thuộc của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Cáo trạng xác định, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm là đầu mối phối hợp với Nguyễn Phương Anh, các bộ phận khác thành lập công ty, thuê cá nhân đứng tên để sử dụng cho các hoạt động vay vốn, rút tiền, che giấu dòng tiền của Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Tâm còn được Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ chi trả lương cho các cá nhân được thuê đứng tên thành lập doanh nghiệp, cổ đông, đứng tên các khoản vay và đứng tên tài sản.
Cáo trạng xác định, tổng hợp trách nhiệm của Đặng Phương Hoài Tâm là 406 khoản vay còn dư nợ 257.286 tỉ đồng, và lãi phát sinh là 57.363 tỉ đồng, giá trị tài sản đảm bảo theo kết quả định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và kết quả đánh giá đủ pháp lý của SCB là 85.927 tỉ đồng.