Hôm 25-3, Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước phối hợp với trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) tổ chức cuộc thi hiểu biết về tài chính cho các em học sinh.
Vụ Truyền thông cho biết cuộc thi "Hiểu biết về tài chính" đã cung cấp các kiến thức bổ ích, lý thú về đồng tiền Việt Nam.
Bên cạnh đó, các em được tiếp cận với một số hình thức thanh toán, cũng như cảnh báo bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt qua những câu chuyện sinh động.
Qua cuộc thi, học sinh tiếp cận kiến thức cơ bản về tài chính, như chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Không chỉ vậy, các em còn có cách ứng xử với đồng tiền, biết quý trọng giá trị sức lao động...
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương, cho biết cuộc thi được học sinh toàn trường rất hào hứng tham gia.
Ngoài các môn học chính, nhà trường luôn quan tâm các kiến thức, kĩ năng trong đó có các kiến thức về tài chính để bổ sung cho học sinh.
"Hiểu biết về tài chính là chương trình chúng tôi rất kì vọng đem lại cho các em những kiến thức bổ ích và thiết thực.
Các em được làm quen và có những nhận thức về tiền, giá trị và những bài học bổ ích về tiền và một số kiến thức tài chính. Điều này giúp các em có những nhận thức ban đầu và sau này sẽ ngày càng có ý thức học hỏi về tài chính nhiều hơn" - bà Hà cho hay.
Theo Vụ Truyền thông, tại cuộc thi, nhiều nội dung trong cuốn sách truyện tranh "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền" của tác giả Lê Thị Thúy Sen - vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được giới thiệu và các em học sinh đón nhận rất tích cực.
Để góp phần nâng cao kiến thức về tài chính cho các em, thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính tới giới trẻ. Theo đó, các kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.
Trên thế giới, giáo dục tài chính cho người dân, đặc biệt là với giới trẻ được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu quan trọng đặt ra là tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông giáo dục tài chính như Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái, cuộc thi Hiểu đúng về tiền…
Bà Lê Thị Thúy Sen, vụ trưởng Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định về thanh toán không tiền mặt.