Giáo sư từ 19 trong số 40 trường y đã ký một tuyên bố chung, cho biết sẽ "nộp đơn từ chức từ ngày 25/3". Các trường y bao gồm Bệnh viện Đại học Soonchunhyang Cheonan, Đại học Quốc gia Chungnam. Trong khi đó, giáo sư tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Y khoa Đại học Quốc gia Seoul (trường y lớn nhất Hàn Quốc) cũng sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối ngày để thảo luận xem có tiếp tục giữ chức vụ hay không.
Mục đích của họ là ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ thực tập sinh phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng cường tuyển sinh vào trường y.
Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc cho rằng việc tăng số lượng tuyển sinh vào trường y sẽ không chỉ hủy hoại nền giáo dục của trường y mà còn khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng y tế Hàn Quốc đã lan sang các trường đại học (Ảnh: Yonhap)
Các bác sĩ thực tập sinh đã đình công kể từ ngày 20/2 và hiện chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thể tìm ra giải pháp triệt để.
Về phần mình, chính phủ Hàn Quốc cho biết mục đích của kế hoạch là để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tại một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Đến năm 2035, 30% dân số của Hàn Quốc sẽ từ 65 tuổi trở lên. Theo thống kê của Công ty Bảo hiểm y tế quốc gia, nhu cầu nhập viện của người cao tuổi cao gấp 11 lần so với độ tuổi 30 và 40. Với 20% tổng số bác sĩ trên 70 tuổi, Hàn Quốc khó tránh khỏi tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng.
Tổng thống Yoon Suk Yeol kêu gọi Thủ tướng Han Duck-soo tham khảo ý kiến của các đảng chính trị, thành lập "cơ quan tư vấn mang tính xây dựng" để thúc đẩy đối thoại với các nhân viên y tế, có biện pháp "linh hoạt" khi đình chỉ giấy phép của bác sĩ đình công. Tuy nhiên, các giáo sư cho biết sẽ chỉ đàm phán nếu chính phủ hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y.