Có một dự án mang tên "Góc học tập cho em" đã kêu gọi và gửi trao hơn ngàn góc học tập đến những đứa trẻ nơi đây.
Hơn cả góc học tập
Vụ tai nạn giao thông một chiều tháng 3 đã cướp đi người vợ của anh Ngô Viết Hà, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Vợ mất, để lại cho anh hai đứa con bơ vơ. Đứa con đầu của anh là Ngô Viết Huy Hoàng mới học lớp 4. Đứa gái út học mẫu giáo còn ngây ngô chưa biết đã vĩnh viễn không còn mẹ trên đời.
Hai vợ chồng anh Hà là công nhân, vẫn đang sống nhờ nhà ông bà và người anh cả. Vợ mất, một mình anh không biết xoay xở thế nào để lo cho con ăn học đàng hoàng.
Vài ngày sau hậu sự vợ anh Hà, mấy thành viên trong ban điều hành quỹ "Góc học tập cho em" đến thăm. Ông Tô Văn Hùng - bí thư huyện Hòa Vang - cùng các cộng sự của mình trong quỹ đã chia buồn và động viên gia đình anh Hà.
Quỹ đã gửi tặng Hoàng một góc học tập mới. Cùng với đó, kết nối nhà hảo tâm đỡ đầu cho Hoàng đến năm 18 tuổi.
Anh Hà nói: "Trước mất mát của gia đình, nỗi đau của hai đứa con tôi là quá lớn. Nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia từ quỹ, tôi rất biết ơn và cảm kích vô cùng. Những sự sẻ chia lúc ngặt nghèo này sẽ cho cả tôi và hai đứa nhỏ thêm động lực để tiếp tục cố gắng".
Nhận góc học tập mới, hai anh em Hoàng và Hạ tíu tít sờ ngắm từ chiếc bàn, cái ghế và mấy món đồ dùng học tập vừa được tặng. Hoàng nắn nót ghi thời khóa biểu dán lên kệ sách trước mặt. Cô em gái háo hức xin anh cho dán ké mấy lá phiếu bé ngoan vào góc học tập mới.
Bà con mừng lắm
Hoàng là một trong gần 1.500 học sinh khó khăn huyện Hòa Vang được nhận góc học tập từ chương trình ý nghĩa này.
Trước xã Hòa Châu, học sinh các xã Hòa Phong, Hòa Tiến..., cả Hòa Bắc xa xôi với những em bé người đồng bào Cơ Tu cũng có cho mình những góc học tập thật đẹp, đặt ngay vị trí sáng sủa nhất của gian nhà.
Hôm mấy trăm học sinh khó khăn xã Hòa Bắc nhận góc học tập, ông Trần Xuân Trung, trưởng thôn Giàn Bí, bảo rằng chưa bao giờ thấy đám trẻ con vui đến thế. Bà con ai cũng háo hức bởi những chiếc bàn, chiếc kệ này là món đồ giá trị mà họ chưa từng nghĩ sẽ có điều kiện sắm cho con.
"Bà con mừng lắm. Có cái góc học tập này đám nhỏ không lăn lóc giữa sàn viết chữ nữa. Có góc học tập, bọn nhỏ sẽ siêng năng, chăm học và sẽ thành tài", ông Trung nói.
Ông Trung cho biết bà con trong thôn Giàn Bí nhiều nhà rất khó khăn, ba mẹ làm nương hay về dưới thành phố làm thuê cũng chỉ mong đủ lo cái ăn, cái mặc chứ đâu dám nghĩ đến chuyện lo cái bàn học cho con. Có cái góc để học tập, ông Trung nói sẽ vun bồi cái chí vươn lên của đám trò nơi vùng núi này.
Dự án "Góc học tập cho em" được khởi xướng từ cuối năm 2022, khi ông Tô Văn Hùng vừa về làm bí thư huyện Hòa Vang.
Trong một lần đi thăm ngôi trường ở vùng núi Hòa Bắc và trực tiếp đến thăm nhà các em là đồng bào Cơ Tu, ông thấy nhiều em chưa có chỗ để học. Là người xuất thân từ giáo dục, ông Hùng không thôi trăn trở, từ đó ông đã vận động những người bạn của mình để lập nên quỹ "Góc học tập cho em".
Quỹ gửi thư ngỏ vận động các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm cùng chung tay thêm góc học tập, ươm mầm sự học. Đến nay, quỹ đã kêu gọi và trao tặng gần 1.500 góc học tập cho học sinh toàn huyện. Mỗi góc học tập trị giá khoảng 1,5 triệu đồng.
Huyện Đoàn Hòa Vang là đơn vị tiếp nhận kinh phí, tìm xưởng đặt làm bàn ghế, kệ sách rồi tìm hiểu những hoàn cảnh học sinh khó khăn để gửi trao những góc học tập ý nghĩa.
Chị Nguyễn Thị Giang Thủy, bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang, chia sẻ chương trình Góc học tập - ươm mầm tương lai cho em mong được nối nhịp yêu thương, nhằm tiếp thêm động lực cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước trên con đường học tập.
"Chương trình thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của các em học sinh vùng khó", chị Thủy nói.
Không chỉ là góc học tập
Không chỉ hỗ trợ góc học tập cho những học sinh huyện Hòa Vang, ông Hùng và các thành viên trong quỹ cho biết họ mong muốn chương trình sẽ giúp đỡ cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Từ sự chung tay của cộng đồng, quỹ mong muốn không chỉ là bàn ghế, dụng cụ học tập mà mở rộng thêm nhiều sự hỗ trợ khác về giáo dục.
Những luống rau xanh được học trò miền núi xứ Nghệ tự trồng, chăm sóc đem bán làm nguồn quỹ giúp bạn nghèo.