Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm tuy nhiên không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Đây là lần đầu tiên việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được đề xuất trong quy định cụ thể.
Dự thảo này được lấy ý kiến từ giữa tháng 3-2024 và những ngày qua có nhiều ý kiến qua lại với những lý do chủ yếu: sinh viên đã trưởng thành, có điểm học tập để "kiểm soát" vì việc "kiểm soát" sinh viên làm thêm sẽ rất khó khăn với các trường.
Sinh viên, chủ lao động nói tự cân đối việc học - việc làm thêm
Trong khu vực pha chế chừng 10m2, Nguyễn Thường, sinh viên Cao đẳng FPT, thành thục pha một cốc cà phê chỉ trong một phút. Là sinh viên ngoại tỉnh, tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống khá tốn kém nên được người quen giới thiệu, Thường đi làm pha chế 5 - 6 ca/tuần, thu nhập cao nhất 3,5 triệu đồng/tháng.
"Làm thêm hỗ trợ phần nào kinh tế gia đình giúp tôi trả tiền ăn, phòng trọ. Tôi chỉ học một ca, sau đó ôn bài cũ để dành thời gian đi làm. Nếu bị giới hạn giờ làm ảnh hưởng rất lớn vì giảm một nửa thu nhập, số tiền dùng ít đi cũng khiến gia đình có thêm chút gánh nặng", Thường chia sẻ.
Trường Giang, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia, thì cho hay việc đi làm thêm giúp Giang có thêm thu nhập, kinh nghiệm và tiếp xúc nhiều bạn mới. Theo Giang, bạn thường lên lịch học tập từ sớm để cân bằng việc học và làm.
"Tôi và một số bạn đang đi làm bán thời gian nên đăng ký thời gian rảnh, do vậy ưu tiên được thời gian học trước rồi mới đăng ký đi làm, việc đi làm không ảnh hưởng việc học", Giang bộc bạch.
Theo anh Trung - quản lý một cửa hàng kinh doanh đồ uống tại Tây Hồ (Hà Nội), sinh viên làm thêm vừa có thu nhập, vừa trải nghiệm, hoàn thiện bản thân. Nhiều năm tuyển dụng sinh viên, anh nhận thấy các bạn đều trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm trước khi đi làm ở công ty. Để khuyến khích các bạn gắn bó lâu dài, cửa hàng anh sẽ thưởng "nóng" các ca làm ngày nghỉ lễ, Tết, đông khách.
"Khối lượng làm thêm của các bạn không quá lớn nên một tuần có thể làm 5 - 6 ca. Tùy theo năm học cũng như khả năng sắp xếp, các bạn trẻ có thể làm thêm để kiếm thêm thu nhập, gánh đỡ chi phí cho gia đình", anh Trung cho hay.
Nhấn mạnh dịch vụ là ngành đặc thù, có thời cao điểm thấp điểm, anh Trung cho rằng không nên quy định cứng nhắc 20 hay 40 giờ/tuần cho sinh viên làm thêm.
Trong khi đó, chị Mai Thương, đại diện nhà hàng Villa Des Fleurs, Ba Đình (Hà Nội), cho biết nếu áp dụng giới hạn giờ làm thêm thì cả nhà hàng và các bạn sinh viên bị ảnh hưởng bởi đa số các bạn đi làm để đỡ đần kinh tế cho cha mẹ, nhiều bạn thuê trọ, sinh hoạt phí đắt đỏ ở các thành phố lớn có thể khó tiếp tục theo học.
Trước mắt với hoàn cảnh này, cần có thêm chính sách hỗ trợ vay vốn, học tập và thí điểm giới hạn thời gian làm thêm ở một số nơi thay vì áp dụng chung.
Quản lý được tốt cần sự trung thực
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết việc ra quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ là đang tạo cơ hội cho các bạn học sinh, sinh viên có thêm việc làm, đồng thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho các bạn khi đi làm thêm.
Tuy nhiên, ông Vinh nhìn nhận việc áp dụng ngay có thể sẽ không khả thi bởi hiện nay sinh viên đi làm thêm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhiều hoặc làm việc bán thời gian tại các cửa hàng dịch vụ ăn uống... Do vậy sẽ rất khó thu thuế thu nhập cá nhân của người đi làm thêm, không thể quản lý được thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên.
"Việc giám sát sinh viên đi làm thêm cũng không phải việc của nhà trường, nhà trường không có chức năng giám sát sinh viên có hay không đi làm thêm. Nếu muốn giám sát cũng không thể giám sát được", ông Vinh nêu quan điểm.
Trong khi đó, một phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội cho biết với quy mô của nhà trường với khoảng 13.000 sinh viên thì việc quản lý sinh viên làm bán thời gian là rất khó. "Với các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì việc làm bán thời gian sẽ là nguồn thu nhập quan trọng để các bạn có chi phí trang trải cho sinh hoạt và học tập, thế nhưng việc học vẫn là công việc chính mà các bạn phải quan tâm.
Để sinh viên không sao nhãng học tập vì làm bán thời gian bên ngoài quá nhiều thì các trường có thể yêu cầu sinh viên ký cam kết. Ngoài ra cần có những chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho sinh viên khó khăn và sự đồng hành, phối hợp từ nhiều bộ, ngành trong việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Một mình nhà trường không thể quản lý sinh viên có hay không làm thêm bán thời gian", vị này cho biết.
Bên cạnh đó, các trường đại học đang quản lý sinh viên bằng kết quả học tập, trong đó có quy định nếu sinh viên nghỉ quá 20% số giờ của một môn học thì không được tham gia thi kết thúc học phần. Do đó, mỗi sinh viên sẽ phải tự tính toán, bố trí thời gian để tham gia học đầy đủ và đạt kết quả, ra trường đúng hạn trong thời gian quy định (tối đa 8 năm cho các chương trình đào tạo trình độ đại học có thời gian đào tạo chuẩn là 4 năm).
Nhà trường có thể tuyên truyền, nhắc nhở hoặc thậm chí yêu cầu sinh viên cam kết và tin tưởng vào sự trung thực của sinh viên. Tuy vậy, nếu sinh viên khai báo không trung thực, người sử dụng lao động cũng không trung thực thì trường cũng không có nguồn lực và chức năng để kiểm tra về số giờ làm việc thực của sinh viên, vị này nói.
Vị này còn cho rằng cũng cần xem xét cả trường hợp có những sinh viên cần làm thêm nhiều hơn 20 giờ/tuần để có tiền ăn ở, chi trả học phí (trong bối cảnh học phí các trường đại học đang tăng), tiền làm thêm trung bình chỉ khoảng 20.000 - 25.000 đồng/giờ.
"Ở nước ngoài, sở lao động sẽ đi kiểm tra các cơ sở sử dụng lao động, nếu phát hiện sử dụng lao động là sinh viên làm việc quá giờ quy định sẽ xử phạt cơ sở đó cũng như sinh viên vi phạm", vị này nói thêm.
Tránh "trói nhau" giữa các luật
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho hay một số nước đã giới hạn giờ làm thêm để các bạn tập trung vào mục tiêu học tập. Việc áp dụng giới hạn giờ đang tiệm cận các thông lệ quốc tế. "Có bạn sa đà vào việc làm thêm có thể không đạt được mục tiêu quan trọng nhất là học tập", ông Lộc nói.
Song ông Lộc cho rằng cần có cơ chế tạo điều kiện để các bạn làm thêm, kiếm thêm thu nhập, tránh được một số khó khăn, bức xúc từ cuộc sống. Tuy vậy, cơ quan chức năng cần phải tính toán mức giờ cụ thể theo điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, với nhiều mức đa dạng, linh hoạt.
Theo ông Lộc, có nước quy định du học sinh có giấy phép lao động khi đi làm sẽ được quản lý chặt chẽ trong khi Việt Nam chưa nêu rõ quy định, cơ chế kiểm tra giám sát, khung thời gian cho từng công việc. Ví dụ, Úc quy định du học sinh châu Á không được làm quá 20 giờ/tuần song đã áp dụng trong hệ thống hoàn thiện, còn chúng ta chưa có quy định này bao giờ. "Chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hành lang pháp lý trước khi áp dụng", ông Lộc nói.
Chuyên gia này cho rằng các cơ sở đào tạo có thể căn cứ quy chế học viên có nơi không được nghỉ quá 20% số tiết học để giám sát việc học và đánh giá sinh viên đủ điều kiện học tiếp hay không. "Việc này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vì đụng tới Bộ luật Lao động 2019, Luật Giáo dục, chúng ta phải tránh trường hợp trói nhau giữa các luật", ông cảnh báo.
Lãnh đạo một trường đại học cũng cho rằng việc các cơ sở giáo dục đại học phải quản lý thời gian làm việc ở bên ngoài trường của sinh viên không đơn giản vì trước hết sinh viên đều đã trên 18 tuổi, là công dân trưởng thành và phải chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật.
Sinh viên là công dân đã trưởng thành và có trách nhiệm với việc bố trí thời gian học tập hay đi làm của mình. Cơ chế đào tạo theo tín chỉ cho phép sinh viên linh hoạt trong việc lựa chọn số lượng tín chỉ trong một học kỳ, có học kỳ học ít, có học kỳ học nhiều. Nếu học ít thì có thể đi làm nhiều giờ hơn và ngược lại.
Nội dung góp ý dự thảo nhằm đánh giá tác động của dự luật nêu học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian do hiện tại sinh viên làm thêm với đa dạng nghề như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online hoặc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
Tuy nhiên, nếu sa đà làm thêm có thể ảnh hưởng đến việc học tập, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan lừa đảo, bóc lột sức lao động, sa ngã vào các tệ nạn xã hội...
Lương tối thiểu giờ ở Việt Nam
Một số chuyên gia lao động cho rằng nên áp dụng lương tối thiểu giờ cũng như tuyên truyền để cơ sở kinh doanh cân đối giờ làm của học sinh, sinh viên. Hiện Việt Nam đã có lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng để bảo vệ người lao động. Theo đó, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ quy định các mức lương tối thiểu giờ tăng 6% từ 1-7-2024. Cụ thể, vùng 1 là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.
Các nước: chủ yếu quy định với du học sinh và kỳ vọng vào sự trung thực
Tại Nhật, quy định lao động cho sinh viên làm thêm là không quá 40 giờ/tuần và 8 giờ/ngày. Nếu làm việc 6 giờ thì nghỉ giải lao 45 phút, làm việc 8 giờ thì nghỉ 1 giờ. Với du học sinh thì việc làm thêm không quá 28 giờ/tuần và không quá 8 giờ/ngày. Trong thời gian nghỉ nhiều như nghỉ hè, đông, xuân... thì du học sinh sẽ được tăng thời gian làm việc như sinh viên Nhật (40 giờ/tuần).
Vậy việc giám sát thế nào? Theo kinh nghiệm từ một số du học sinh Nhật Bản, quy định trên vẫn có thể bị "lách" bằng cách các chủ lao động trả tiền mặt, không qua hệ thống ngân hàng vì ngành thuế có thể theo dõi.
Tại Canada, sinh viên đáp ứng đủ điều kiện có thể làm thêm bên ngoài trường đại học mà không cần giấy phép, nhưng phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Theo đó, du học sinh có thể làm việc 20 giờ/tuần và có thể làm nhiều hơn một công việc, miễn là trong giới hạn thời gian cho phép. Trong kỳ nghỉ đông hoặc hè, hoặc các tuần nghỉ vào mùa thu hoặc xuân, du học sinh cũng được tự do làm thêm giờ.
Ngược lại, trong thời gian học tập, nếu làm việc hơn 20 giờ/tuần sẽ là vi phạm giấy phép học tập, người vi phạm có thể bị tước tư cách sinh viên cũng như không thể được chấp thuận cấp giấy phép học tập và làm việc trong tương lai. Nghiêm trọng hơn, sinh viên vi phạm có thể bị buộc rời khỏi Canada.
Sinh viên được yêu cầu tự giám sát tổng số giờ làm của mình. Số giờ làm được tính là bất kỳ thời gian nào họ được trả lương hoặc trả hoa hồng, ngay cả trong các giờ họ được yêu cầu trực nhưng không thật sự làm việc.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng phải chứng minh mình tuân thủ các yêu cầu học tập (bao gồm tích cực theo đuổi việc học, không làm việc quá 20 giờ/tuần, và đáp ứng các điều kiện khác) trong giấy phép học tập. Ngay cả khi là một lao động tự do, sinh viên cũng cần phải theo dõi số giờ làm của mình và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu trong giấy phép học tập.
Để trang trải cuộc sống tại Hà Nội, nhiều sinh viên chọn làm thêm bán thời gian với tiền lương rất thấp. Có trường hợp chỉ nhận thù lao 12.000 đồng/giờ.