Mua từng sà lan nước ngọt
Ngày 26-3, ông Trần Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre - cho biết những ngày qua, nguồn nước thô trên sông Tiền độ mặn đã vượt ngưỡng cho phép, nên một số nhà máy nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phải thuê sà lan chở nước ngọt về để xử lý trước khi cung cấp cho các hộ dân.
Cùng ngày, có mặt tại Chi nhánh cấp nước Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), chúng tôi ghi nhận cảnh sà lan chở 700 khối nước ngọt đang cặp bờ để bơm nước ngọt vào nhà máy xử lý nước.
Ông Nguyễn Hoàng Thành - thuyền trưởng điều khiển sà lan chở nước nói trên - cho biết mỗi ngày ông chở 2 chuyến nước ngọt để cung cấp vào nhà máy xử lý nước.
"Tùy vào độ mặn của nước sông để xác định vị trí lấy nước. Cứ chạy ngược theo thượng nguồn sông Tiền, đến vị trí nào có nước ngọt thì mình lấy. Thời điểm hiện tại, tôi lấy nước ngọt cách vị trí nhà máy khoảng 4km", ông Thành cho hay.
Theo một cán bộ quản lý Chi nhánh cấp nước Chợ Lách, hiện chi nhánh đang cung cấp nước sạch cho khoảng 8.800 hộ dân trên địa bàn huyện Chợ Lách.
Đi tìm nước ngọt cho dân
Bình thường nguồn nước ngọt thô được lấy trực tiếp từ sông Tiền nằm cạnh nhà máy nước để xử lý, và bán cho các hộ dân với giá 9.600 đồng/khối.
Tuy nhiên, thời điểm gần đây do độ mặn trên sông tăng nên nhà máy phải mua nước từ sà lan để xử lý và giá bán vẫn không thay đổi. Chỉ tính riêng Chi nhánh cấp nước Chợ Lách, trong những ngày qua đã phải mua nước từ 5 chuyến sà lan.
Ngoài Chi nhánh cấp nước Chợ Lách, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre còn quản lý, vận hành thêm 4 nhà máy nước khác và đều đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước thô bị nhiễm mặn.
Ngoài việc thuê sà lan chở nước ngọt, công ty còn có nhiều giải pháp cấp bách khác nhằm đưa nước ngọt về xử lý, cung cấp cho người dân ở TP Bến Tre, một phần các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Một số giải pháp cụ thể như canh bơm nước ngọt thô từ thượng nguồn sông Ba Lai vào túi nước Sông Mã để tích trữ, dẫn nước về 3 nhà máy nước Sơn Đông, An Hiệp và Hữu Định. Còn Nhà máy nước Lương Quới (huyện Giồng Trôm) hiện nguồn nước thô trên sông đã bị nhiễm mặn, nên công ty đang phải lấy nước ngọt từ một đơn vị khác để cấp cho người dân.
TTO - Ngày 4-3, ông Trần Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre - cho biết hiện nước sông Giồng Trôm bị nhiễm mặn trên 3 phần ngàn, đơn vị phải chở nước thô bằng sà lan về xử lý nên giá nước sẽ tăng.