Trích tiền hưu trí gửi nạn nhân
“Tất cả mọi người trên trái đất đều được sống trong một thế giới hòa bình. Những thành phần khủng bố như vậy không nên tồn tại trong thế giới của chúng ta. Điều đó thật khủng khiếp và tang thương”, ông Dmitry Repkov, tham tán lãnh sự Nga tại TP.HCM, chia sẻ.
Theo quan sát của ông Repkov, số lượng người đến tưởng niệm tại Tổng lãnh sự quán Nga ở TP.HCM trong buổi sáng 26-3 đông hơn so với một ngày trước đó.
“Đây là một sự kiện khủng khiếp, làm tổn thương rất nhiều người dân vô tội. Tôi hy vọng sẽ không có ai phải trải qua những điều tồi tệ như thế này nữa. Tôi cũng mong rằng người dân thủ đô Matxcơva nói riêng và người dân Nga nói chung có thể nhanh chóng vượt qua đau thương để tiếp tục cuộc sống thường nhật”, anh Konstantin (37 tuổi) cùng cậu con trai 11 tuổi chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Ngoài những người từng học tập, làm việc tại Liên xô hoặc tại Nga, một số người dân sau khi nghe tin khủng bố khiến hàng trăm người thương vong đã dành thời gian đến chia buồn cùng người dân Nga.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngà (78 tuổi) cho biết bà không ngại trời nắng và đường sá xa xôi để đến gửi hoa tưởng niệm cho các nạn nhân trong vụ xả súng thảm khốc.
“Tuy chưa từng học tập hay làm việc tại Liên Xô và Nga, nhưng khi nghe tin về sự việc kinh hoàng như vậy tôi cảm thấy vô cùng đau xót. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc cùng Lãnh sự quán Nga tại TP.HCM, những người có người thân là nạn nhân trong vụ khủng bố”, bà Ngà nói.
Anh Tịnh Hạnh Một, một người Việt, cho biết khi hay tin vụ khủng bố, các cụ trong gia đình anh đã trích một ít tiền lương hưu rồi gửi từ Hà Nội vào TP.HCM để nhờ anh mang đến chia buồn cùng nhân dân Nga.
"Các cụ nhà tôi chưa từng học tập hay làm việc tại Nga nhưng khi nghe sự việc đau lòng như vậy, họ không cầm lòng được” - anh kể.
Cụ ông lặn lội từ Đồng Nai đến viếng
Có mặt từ sáng 26-3 dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn, ông Đào Tuấn Dũng, người từng học tập tại Trường đại học Xây dựng Matxcơva từ năm 1975 - 1980, cùng một số người bạn cũ đến thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố.
“Chúng tôi là những người được đào tạo ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô, là những người được Liên Xô đùm bọc, yêu thương trong lúc đất nước mới giành độc lập. Vì thế, khi chứng kiến vụ nổ súng kinh hoàng, dã man khiến gần 150 người chết, chúng tôi không thể nào không đến chia buồn cùng nhân dân Nga”, ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng cũng hy vọng người dân Nga sẽ nhanh chóng vượt qua sự đau thương, mất mát này để tiếp tục xây dựng đất nước.
Đi cùng với ông Dũng là những người anh, chị, em từng học tập tại Trường đại học Trắc địa và Bản đồ quốc gia Matxcơva, Trường đại học Bách khoa Matxcơva, Đại học Y khoa quốc gia Matxcơva mang tên I.M. Sechenov (MGMU) và cả những người học tập tại Cộng hòa Uzbekistan.
Một cụ ông 70 tuổi (không nêu tên) không ngại trời nắng, lặn lội từ khu vực cầu Đồng Nai đến Tổng lãnh sự quán Nga tại TP.HCM để đặt hoa tưởng niệm. “Ngày trước tôi từng học ở thành phố Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg). Tôi vô cùng đau xót khi hay tin này. Vì thế, tôi ngay lập tức đến Lãnh sự quán để chia buồn”, ông chia sẻ.
Dù đã rất nhiều năm trôi qua nhưng tình cảm mà các ông, bà dành cho nước Nga và người dân Nga vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào.
Ghi sổ tang ở Đại sứ quán Nga tại Hà Nội ngày 25-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Chính phủ và nhân dân Nga, khẳng định Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi tấn công khủng bố dưới mọi hình thức.