Đà Nẵng là điểm đầu tư hấp dẫn
Ngày 26/3, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ trì tiếp Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns nhân chuyến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
Bà Susan Burns đánh giá cao thành phố Đà Nẵng trong việc nắm bắt cơ hội phát triển ngành vi mạch bán dẫn ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như sau chuyến thăm của lãnh đạo địa phương này đến Hòa Kỳ vào năm 2023.
Vị này tiết lộ, hiện nay, thành phố Đà Nẵng là điểm đầu tư hấp dẫn, địa phương giàu tiềm năng hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Tỗng lãnh sự cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng hợp tác đầu tư thêm về các lĩnh vực y tế, môi trường, năng lượng tái tạo. Đây cũng là những lĩnh vực quan trọng và tiềm năng mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng.
Tổng lãnh sự mong muốn lãnh đạo thành phố sớm thành lập tổ công tác xúc tiến hợp tác thành phố Đà Nẵng - Hoa Kỳ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin và triển khai cụ thể các ký kết giữa hai bên.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh mong muốn, Tổng Lãnh sự tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng trong việc đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn và phát triển mảng lắp ráp, kiểm thử, đóng gói vi mạch bán dẫn (ATP).
Xây dựng Trung tâm vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh 10 tỷ đồng
Cùng ngày, ông Hồ Kỳ Minh và bà Susan Burns cùng tham gia chuỗi sự kiện Khởi động Chương trình đào tạo nhân lực Vi mạch bán dẫn tại Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn.
Ông Minh cho biết, để triển khai tốt các nội dung về phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của thành phố, bên cạnh cơ sở vật chất, hệ thống chính sách hỗ trợ, sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giảng viên có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực này có vai trò vô quan trọng.
Trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên cũng như nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn của thành phố hoặc cử giảng viên của các trường Đại học trên địa bàn thành phố sang nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các cơ sở đào tạo quốc tế.
Trong năm 2024, Thành phố sẽ tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn (khóa đầu tiên) với sự phối hợp giảng dạy của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (ĐHĐN), Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.
Khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 24 viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố gồm Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHĐN), Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học FPT…
Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào đây, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và đổi mới. Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
“Các công ty Hoa Kỳ như Synopsys đã tiên phong trong tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này tại Việt Nam. Những sản phẩm này cung cấp năng lượng từ điện thoại đến ô tô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số làm nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Chương trình này thể hiện cam kết tăng cường hợp tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học nhằm phát triển nhân tài công nghệ cao tại Việt Nam”, bà Susan Burns nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn chia sẻ, nhà trường đã công bố tuyển sinh Kỹ sư thiết kế Vi mạch bán dẫn năm 2024, với tổng chỉ tiêu dự kiến đào tạo từ 600 – 1.000 kỹ sư đến năm 2028. Đồng thời, trường cũng đã điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành gần, trong đó có thêm định hướng Vi mạch bán dẫn để đào tạo chuyển đổi các sinh viên từ năm 1 (khóa 2023) đến năm 3 (khóa 2021) nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp bách nguồn nhân lực lĩnh vực này.
Phía nhà trường còn tổ chức khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH). Trung tâm này có chức năng đào tạo, nghiên cứu, kết nối và chuyển giao công nghệ, được trang bị đầy đủ máy tính và 20 version phần mềm thiết kế vi mạch có bản quyền của Synopsys, cùng nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng trong dự án ODA 7,7 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2022-2027 phục vụ đào tạo các khóa vi mạch bán dẫn.