Ông Putin nói về chủ mưu vụ khủng bố Moscow
"Nga biết những kẻ nào đã tiến hành vụ tấn công Crocus City Hall nhưng hiện đang điều tra ai đã ra lệnh cho chúng" – Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc họp qua video ngày 25/3 với các quan chức thực thi pháp luật của Nga.
Mở đầu cuộc họp, ông Putin cho biết, cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào Crocus City Hall khiến 137 người thiệt mạng ngày 22/3 vừa qua "là do những kẻ Hồi giáo cực đoan tiến hành".
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Nga cho rằng điều đó cũng là vì lợi ích của Ukraine và Kiev có thể đóng một vai trò nào đó trong vụ việc.
"Mỹ và đồng minh đang tìm cách che đậy cho lực lượng ủy nhiệm của họ ở Kiev khi nhấn mạnh rằng Ukraine không liên quan gì tới vụ tấn công khủng bố, và bên chịu trách nhiệm là Nhà nước Hồi giáo IS" – Ông Putin lưu ý.
Hiện tại, cơ quan thực thi pháp luật của Nga đang điều tra những kẻ tình nghi bị bắt sau vụ tấn công.
Ông Putin một lần nữa nhắc lại rằng, những kẻ khủng bố đã "cố gắng lẩn trốn và di chuyển về phía Ukraine". Điều đó đặt ra những câu hỏi cần được trả lời.
"Câu hỏi đặt ra là ai được hưởng lợi từ việc này?", ông Putin nói, đồng thời cáo buộc vụ tấn công nhằm vào Crocus City Hall "có thể chỉ là một mắt xích trong loạt nỗ lực của những kẻ đã gây chiến với nước Nga từ năm 2014, dưới bàn tay của chế độ mới ở Kiev".
Nhà lãnh đạo Nga cho biết mục đích của cuộc tấn công là "gieo rắc hoảng loạn" và nhận định rằng nó thể mạng lại lợi ích nhất định cho Kiev.
"Trong bối cảnh các lực lượng Nga đang tiến qua chiến trường Ukraine, điều đó cũng có thể nhằm mục đích cho người dân của họ thấy rằng chế độ Kiev không phải đã mất tất cả" – Ông Putin cho hay.
Trong bài phát biểu cùng ngày qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phản ứng trước tuyên bố của ông Putin, đồng thời bác bỏ hoàn toàn mối liên hệ giữa Kiev với vụ tấn công khủng bố ngày 22/3.
Ông Zelenskiy nhấn mạnh tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga là vô căn cứ.
Tình tiết mới về thủ phạm vụ tấn công
Hãng tin RT ngày 25/3 cho biết, tòa án Basmanny của Moscow đã bắt giữ thêm 3 nghi phạm được cho là có liên quan tới vụ tấn công khủng bố vào Crocus City Hall. Trước mắt, các đối tượng này sẽ bị giam giữ cho tới ngày 22/5.
Theo Ủy ban Điều tra Nga, 3 nghi phạm mới nhất, bao gồm Ainchon Islomov, Dilovar Islomov và cha của chúng - Isroil Islomov (62 tuổi) bị cáo buộc liên quan tới việc tổ chức hành động khủng bố.
Các nhà điều tra cho rằng, Shamsidin Fariduni (1 trong 4 kẻ trực tiếp xả súng ở Crocus City Hall) đã tuyển dụng Ainchon Islomov vào tháng 1, và tuyển Dilovar Islomov trước ngày 11/3 để cùng hắn thực hiện hành động khủng bố.
Dilovar Islomov được cho là chủ sở hữu của chiếc xe Renault màu trắng mà nhóm khủng bố đã dùng để chạy trốn sau khi tiến hành vụ xả súng.
Trong một diễn biến liên quan khác, hãng RBC (Nga) ngày 25/3 dẫn một nguồn tin trong cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, những kẻ khủng bố tấn công Crocus City Hall đã tới Thổ Nhĩ Kỳ một thời gian ngắn trước vụ tấn công để "gia hạn giấy phép ở lại Nga".
Theo nguồn tin này, 2 trong số những kẻ tấn công đã rời Thổ Nhĩ Kỳ để tới Moscow trong cùng chuyến bay vào ngày 2/3. Thời điểm đó, không có lệnh bắt giữ đối với những cá nhân này nên họ có thể tự do di chuyển giữa các quốc gia.
4 tay súng ở Crocus chưa chắc bị án tử hình
Lời kêu gọi tuyên án tử hình dành cho những kẻ khủng bố tấn công Crocus City Hall đang bùng lên mạnh mẽ tại Nga, trong bối cảnh nước này có luật cấm thi hành án tử hình.
Những người ủng hộ động thái này – bao gồm cả lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDPR) Leonid Slutsky – đồng tình rằng, nên áp dụng ngoại lệ đối với cả 4 tay súng đã tiến hành vụ khủng bố đẫm máu ngày 22/3.
Người đứng đầu phe "Nước Nga Thống nhất" trong Duma Quốc gia Nga Vladimir Vasiliev cho biết, đề xuất áp dụng lại án phạt tử hình đối với các hành vi khủng bố "sẽ được xem xét kỹ", quyết định được đưa ra sẽ "đáp ứng tâm trạng và mong đợi của xã hội Nga".
Theo RT, mặc dù trên lý thuyết, bộ luật hình sự Nga có quy định về việc ban hành án phạt tử hình nhưng trên thực tế, các tòa án bị cấm đưa ra các bản án như vậy.
Theo ông Andrey Klishas – người đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên bang về Pháp luật Hiến pháp của Nga, việc áp dụng lại hình phạt tử hình là không thể về mặt pháp lý, vì cả 2 viện của Quốc hội Nga "không thể vượt qua các quyết định của Tòa án Hiến pháp Nga về vấn đề án tử hình".
Về phía Điện Kremlin, thư ký báo chí của Tổng thống Putin Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin không tham gia vào các cuộc thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm thi hành án tử hình tại Nga.
"Chúng tôi không tham gia vào các cuộc thảo luận này" – TASS dẫn lời ông Peskov cho hay.
Theo người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Nga Valery Zorkin, Hiến pháp Nga quy định mọi công dân đều có quyền sống và do đó được đảm bảo quyền "không bị kết án tử hình". Việc áp dụng lại án phạt này sẽ đòi hỏi phải thông qua Hiến pháp mới.