Nikkei cho hay Thái Lan sẽ công bố Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia (PDP) đến năm 2037 vào tháng 9 tới. Trong đó, nước này dự kiến xây các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) công suất 70 MW. Trong khi đó, Bangkok Post cho hay công suất lò có thể lên đến 300 MW. Địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiềm năng sẽ được chính phủ xem xét.
Thái Lan từng tính đầu tư điện hạt nhân từ những năm 2000. Nhưng vụ khủng hoảng năm 2011 tại nhà máy Fukushima Daiichi (Nhật Bản) khiến nỗ lực này bị gác lại. Sự phát triển của SMR gần đây khơi lại quan tâm của nước này.
SMR tạo ra ít năng lượng hơn lò phản ứng thông thường và được coi là an toàn hơn. Mỹ, Anh và Trung Quốc là các nước đang phát triển mô hình này. Tháng 11/2022, Washington nói sẽ cung cấp công nghệ về SMR cho chính phủ Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã thảo luận về khả năng triển khai điện hạt nhân với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tại Bangkok hôm 14/3. Ông nói chính phủ sẽ nghiên cứu độ an toàn của SMR và lấy ý kiến công chúng.
Nước này lên kế hoạch thúc đẩy điện hạt nhân trong bối cảnh các mỏ khí đốt ngày càng cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng điện tăng. Bangkok đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, nên cần nguồn điện ổn định, thay thế khí đốt và than đá.
Suvit Toraninpanich, Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghiệp năng lượng tái tạo, thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), cho rằng chính phủ cần tuyên truyền cho người dân về điện hạt nhân nếu muốn thúc đẩy các dự án này. Theo ông, việc phát triển năng lượng hạt nhân gây nhiều tranh cãi trước lo ngại về an toàn, như rò rỉ phóng xạ và quản lý chất thải.
Đối mặt với những thách thức tương tự, Philippines cũng có kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Dự kiến, lò hạt nhân thương mại của nước này sẽ vận hành vào 2030. Manila và Washington ký một thỏa thuận về năng lượng hạt nhân dân sự vào tháng 11/2023, cho phép chuyển giao vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân giữa hai nước.
Mô hình SMR cũng được xem là lựa chọn hàng đầu của Philippines. Công ty NuScale Power (Mỹ) có kế hoạch đầu tư 7,5 tỷ USD đến 2031 để xây dựng các lò phản ứng tại đây.
Đầu tháng 3, một phái đoàn chính phủ đến Canada để tìm hiểu kinh nghiệm về điện hạt nhân. "Philippines hướng tới mục tiêu có năng lượng hạt nhân trong thập kỷ tới. Chúng tôi cần thêm kiến thức và tiếp cận loại năng lượng này. ", Thứ trưởng Bộ Năng lượng Sharon Garin nói trên PhilStar.
Philippines từng cố gắng đưa vào vận hành Nhà máy điện hạt nhân Bataan ở Luzon dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Sr. Kế hoạch bị hủy bỏ năm 1986, khi ông không được người dân ủng hộ và cũng là thời điểm xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Với Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr - con trai Ferdinand Marcos Sr - việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân sẽ hiện thực hóa giấc mơ của cha.
Bộ Năng lượng (DOE) dự định thực hiện cuộc khảo sát để lấy ý kiến người dân về sử dụng năng lượng hạt nhân.
Gần nhất, một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào 2019. Khi đó, 79% người dân Philippines được hỏi chấp thuận sử dụng và khôi phục Nhà máy điện hạt nhân Bataan bị bỏ hoang. 65% người dân đồng ý xây một nhà máy điện hạt nhân mới.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia cũng có kế hoạch lắp đặt điện hạt nhân 1.000-2000 MW vào đầu 2030. Than hiện chiếm khoảng 60% tổng nguồn điện nước này, trong khi Indonesia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào 2060. Còn chính phủ Myanmar đang tăng hợp tác hạt nhân với Nga.
Đến nay, Đông Nam Á chưa có nhà máy điện hạt nhân nào được vận hành thương mại. Lo ngại về an toàn vẫn còn cao trong khu vực. Tháng 3/2023, một bình chứa chất phóng xạ Caesium-137 bị mất tích tại một nhà máy điện than ở Thái Lan. Nó được tìm thấy vài ngày sau đó, nhưng vụ việc đã bộc lộ vấn đề giám sát lỏng lẻo.
Theo Kei Koga, Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), các nước Đông Nam Á nên xây dựng tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn và ngăn việc sử dụng kép công nghệ hạt nhân (phát điện và phục vụ mục đích quân sự).
Phiên An (theo Nikkei, PhilStar, Bangkok Post)