Hiện nay, một số nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng cua nuôi bị chết, làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân…
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, UBND các huyện… tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định nguyên nhân dẫn đến cua nuôi bị chết, nhất là tại huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn.
Qua đó, tăng cường hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, chủ động thực hiện, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; đồng thời triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh đúng quy định (nếu đủ điều kiện). Báo cáo về UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 31/3/2024.
Kiểm tra tình hình cua nuôi ở Cà Mau. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau |
UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị UBND các huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, khuyến cáo người dân các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để hạn chế thiệt hại. Phía Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài, giải pháp khắc phục cua nuôi bị chết và các đề xuất liên quan, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 3/2024.
Trước đó, nhiều hộ nuôi cua ở các huyện như Đầm Dơi, Năm Căn… xảy ra tình trạng cua bị chết rất nhiều, khoảng 1.800 ha. Sau khi người dân phản ánh, ngành chuyên môn xuống các ao nuôi ghi nhận tình trạng cua chết có chung bệnh là đen mang, màu nhợt, bọng thịt, cơ thịt nhão có màu hồng, có nhiều giáp xác trong thân cua.
Một số hộ nuôi cua ở huyện Đầm Dơi cho biết, cứ tới mùa hạn là xảy ra hiện tượng cua chết. Cua bỏ ăn, khi bắt lên khô khoảng vài giờ là bắt đầu chết. Số khác chết nổi trên mặt nước, hay bò lên bờ nằm chết; có ao nuôi tỉ lệ thiệt hại từ 30 - 50%...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân không nên thả thêm con giống vào thời điểm này. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để kịp thời cấp thêm nước vào vuông nuôi, nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao. Ngoài ra tiến hành thu gom cua chết đem chôn, xử lý bằng vôi nóng để hạn chế mầm bệnh lây lan.
Nghề nuôi cua là một trong những thế mạnh của tỉnh Cà Mau, mang lại giá trị cao |
Lâu nay, Cà Mau là địa phương có thế mạnh về nghề nuôi cua với khoảng 250.000 ha. Cua Cà Mau lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể.
Theo đề án phát triển bền vững nghề nuôi cua tỉnh Cà Mau đến năm 2030 sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề cua.
Đến năm 2025, diện tích nuôi cua đạt khoảng 258.000 ha, sản lượng đạt khoảng 25.800 tấn, xuất khẩu 20 - 25% sản lượng cua nuôi trong tỉnh. Năm 2030, ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000 ha, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn, xuất khẩu 30 - 35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh…
Huỳnh Lợi