Ngày 27.3, Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện Cơ quan CSĐT Công an cấp quận, huyện tiếp tục điều tra độc lập đối với 5 vụ án với 55 bị can về các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm gồm: 50-04V (TP.Thủ Đức), 50-02S (Q.11), 50-01S (Q.Bình Tân), 50-09D (H.Củ Chi), 50-12D (H.Bình Chánh).
Công an TP.HCM cho biết, hàng loạt sai phạm có hệ thống, xuyên suốt xảy ra trong một thời gian dài đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước.
Trước đó, Công an TP.HCM phối hợp với các phòng nghiệp vụ khám xét tại 5 trung tâm đăng kiểm nói trên.
Cụ thể, tại Trung tâm đăng kiểm 50-09D, Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can về tội "nhận hối lộ", gồm: Lê Minh Huy (chủ đầu tư), Phạm Hữu Hiệp (ngụ Q.6, cựu Phó giám đốc), Từ Tấn Kiên (ngụ H.Củ Chi).
Còn tại Trung tâm đăng kiểm 50-04V, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố Ngô Xuân Hải (Giám đốc).
Từ năm 2022 đến nay, Công an TP.HCM phối hợp công an các tỉnh, thành mở rộng điều tra toàn diện về sai phạm xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm và ở Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đến ngày 24.3, Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ với hơn 300.000 bút lục qua Viện KSND TP.HCM truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Cụ thể, trong 254 bị can, có các bị can cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam như Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam); Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới), Đỗ Trung Học (cựu trưởng Phòng Tàu sông), Bùi Quốc Hưng (cựu trưởng Phòng Tàu sông) cùng nhiều giám đốc, phó giám đốc các chi cục, trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cả nước.
Công an TP.HCM cho biết, đến nay, công an đã thu hồi, tạm giữ và các bị can giao nộp khắc phục tổng cộng hơn 43 tỉ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản có liên quan khác.
Kết luận điều tra thể hiện, các cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ và chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các chi cục, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cả nước để duyệt, cấp mã số thành lập các trung tâm đăng kiểm tư nhân; thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới; đăng kiểm định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ và thủy nội địa; thẩm định cấp chứng nhận năng lực xưởng, đóng mới, cải tạo, phương tiện thủy….
Từ chủ trương sai quy định này đã tạo điều kiện các trung tâm, chi cục đăng kiểm đưa ra chủ trương nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện, đối tượng môi giới để có ý bỏ qua lỗi kỹ thuật của hàng chục ngàn phương tiện nhằm thu lợi bất chính. Sau đó, chung chi lên Cục Đăng kiểm Việt Nam theo chủ trương chung mà các cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đặt ra.
Công an TP.HCM cũng điều tra, làm rõ hàng loạt sai phạm tại một số trung tâm đăng kiểm không đủ điều kiện nhân lực đã giả mạo trong công tác, lập khống danh sách đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên hoặc đóng giả đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại trung tâm đăng kiểm.
Hay một số trung tâm đăng kiểm đã sử dụng phần mềm tự viết có tính năng đọc và chỉnh sửa các thông số kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định (khí thải, phanh, đèn…) của xe cơ giới.