Giá sầu riêng ở Tiền Giang tăng cao
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với TTXVN, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, trong những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mong Thong dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg còn sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 130.000 đồng đến 145.000 đồng/kg, tùy theo loại, tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2024 và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi ròng không dưới 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, ông dân Nguyễn Văn Ba, cư ngụ tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè vui mừng cho biết, ông vừa bán cho thương lái khoảng 4 tấn sầu riêng giống Mong Thong với giá bình quân gần 180.000 đồng/kg, thu 720 triệu đồng.
Đáng chú ý, xã Mỹ Lợi B hiện là một trong những vùng trồng sầu riêng quan trọng ở huyện Cái Bè. Toàn xã có trên 600 ha sầu riêng, mỗi năm đạt sản lượng trên 12.000 tấn quả. Theo lãnh đạo xã, nhờ quan tâm chuyển dịch từ trồng lúa độc canh sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân, Mỹ Lợi B đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024.
Ông Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, giá sầu riêng thời gian qua tăng mạnh nhờ được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, thời điểm này đang cao điểm vào mùa nắng nóng, sản lượng chưa nhiều, nguồn cung ít nhưng nhu cầu lớn cũng là một trong những nguyên nhân giúp từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá sầu riêng liên tục tăng cao mang lại niềm vui chung cho nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng.
Tại Tiền Giang, nông dân trồng sầu riêng thường áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ nhằm cho thu hoạch hai đợt chính: một đợt vào khoảng cuối năm âm lịch năm trước và một đợt vào tháng 3, tháng 4 âm lịch năm sau. Vào thời điểm này, sầu riêng có giá, bà con thu lợi nhuận cao.
Toàn tỉnh Tiền Giang có 155 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 7.000 ha. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích cây ăn quả đặc sản được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch, thu hút ngoại tệ để tiếp tục đầu tư phát triển.
Để sầu riêng giữ được “ngôi vương” xuất khẩu
Theo số liệu trên báo Đầu Tư, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD toàn ngành rau quả.
Cụ thể, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng tới 1,82 tỷ USD so với con số 288 triệu USD của năm trước. Trong đó, quả sầu riêng chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 2,03 tỷ USD.
Diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ ở thời điểm đầu năm 2023 là 47.208 ha, đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha.
Năm 2024 và nhiều năm kế tiếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây đặc sản giá trị cao của nước ta.
Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Dự báo sầu riêng Việt Nam có lợi thế vào thị trường Trung Quốc, nhưng phía bạn cũng cảnh báo rằng nếu chúng ta không chú trọng vào chất lượng mẫu mã và chất lượng hàng hóa thì sẽ khó tận dụng được tối đa dư địa của thị trường này.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, sầu riêng Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, tập trung vào các khâu: Bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác.
Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Trước những biến động của thị trường quả sầu riêng Việt Nam cần được duy trì đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa, tránh tăng trưởng quá nóng… để có thể phát triển bền vững và giữ được “ngôi vương” trong mảng xuất khẩu trái cây.
Trúc Chi (t/h)