Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và một số quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.
Một điểm đáng chú ý của dự thảo Thông tư là bổ sung nội dung về phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho phù hợp với khoản 2 Điều 113 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024.
Theo nội dung dự thảo Thông tư, khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan.
Giải thích về lý do loại trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, cần thiết quy định theo hướng không cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động này do sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư mà ngân hàng thương mại cung cấp cho khách hàng.
Trước đó, trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, NHNN đã cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc gắn với việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Khoản 2, Điều 113 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 quy định: "Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước".
Khoản 5, Điều 15 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức".
Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư bao gồm những gì?
Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư được quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Theo đó, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.
Sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ liên kết đầu tư có các đặc điểm sau đây: Quyền lợi hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư được tách bạch giữa quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư. Bên mua bảo hiểm không được lựa chọn chỉ tham gia quyền lợi đầu tư mà không tham gia quyền lợi bảo hiểm rủi ro; Cơ cấu phí bảo hiểm được tách bạch giữa phí đem đi đầu tư và phí ban đầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Nghị định này; Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ phần phí đem đi đầu tư sau khi khấu trừ các khoản phí quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 99 Nghị định này; Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Thời hạn tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đóng phí cơ bản định kỳ là 10 năm, thời hạn tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đóng phí cơ bản một lần là 5 năm.
Thời hạn tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 101 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau: Thời hạn tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đóng phí cơ bản định kỳ là 10 năm, thời hạn tối thiểu của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đóng phí cơ bản một lần là 5 năm.
T.M