Theo kết quả bỏ phiếu chính thức vào tuần trước, ông Prabowo Subianto đã đắc cử tổng thống Indonesia với chiến thắng cách biệt trước hai đối thủ Anies Baswedan và Ganjar Pranowo.
Đối thủ không phục tổng thống Indonesia mới đắc cử
Mặc dù vậy, chiến thắng của ông Subianto, một cựu bộ trưởng quốc phòng có sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, lại không được hai đối thủ thừa nhận.
Theo Reuters ngày 27-3, ông Baswedan và ông Pranowo khẳng định chiến thắng của ông Subianto xuất phát từ áp lực chính quyền đảng phái và bản thân Tổng thống Widodo áp đặt lên các quan chức khu vực, với việc sử dụng viện trợ xã hội như một loại công cụ để đảm bảo kết quả bỏ phiếu như ý.
Phát biểu về vấn đề này, ông Baswedan nói rằng cuộc bầu cử vừa qua cho thấy Indonesia gặp rủi ro "quay lại chế độ độc tài" như trong quá khứ, đồng thời cảnh báo việc này sẽ tạo tiền lệ xấu. "Việc làm này rồi sẽ bị xem là bình thường, một thói quen", vị này nói với Tòa án Hiến pháp.
Truyền thông quốc tế quả thực đánh giá cao vai trò của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) trong chiến thắng của ông Subianto. Việc ông Subianto đắc cử cũng khiến giới quan sát tin rằng chính trị gia này sẽ tiếp nối các chính sách dưới thời "Jokowi".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Subianto cam kết duy trì kế hoạch tái phân bổ cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và phát triển những ngành công nghiệp hạ nguồn.
Kêu gọi tổ chức lại bầu cử tổng thống Indonesia
Chính quyền Tổng thống Widodo đã bác bỏ các cáo buộc can thiệp bầu cử, nhưng việc thách thức kết quả bầu cử là chuyện không lạ ở Indonesia. Tòa án dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào ngày 22-4 tới, theo Reuters.
Đội ngũ của ông Baswedan yêu cầu tòa án bãi bỏ tư cách của ông Subianto trong thùng phiếu, vì cho rằng ông đã hưởng lợi từ việc bỏ phiếu không công bằng.
Ông Baswedan cũng yêu cầu tòa án buộc ông Widodo phải giữ sự trung lập trong một cuộc bỏ phiếu lại nếu có. Cụ thể, ông Widodo được "yêu cầu" không dùng ngân sách nhà nước để giúp đỡ một ứng viên tranh cử.
Theo đội ngũ pháp lý của ông Baswedan, sự xung đột lợi ích của ông Widodo đã vi phạm điều khoản hiến pháp về bầu cử công bằng, chính đáng, cũng như pháp luật về tham nhũng trong quản lý nhà nước.
Tương tự, ông Pranowo cũng yêu cầu tòa án ra phán quyết bầu cử lại vào ngày 26-6, đồng thời loại tư cách tranh cử của tổng thống đắc cử Subianto và người đồng hành Gibran Rakabuming Raka (vốn là con trai của Tổng thống Widodo).
Nếu được chấp thuận, Indonesia sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - vốn được mệnh danh là "câu lạc bộ các nước phát triển".