Theo Hãng tin Reuters, ngày 27-3 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan ra văn bản kêu gọi công dân nước này chỉ đến Nga nếu thật sự cần thiết. Bộ này cũng khuyên những người bắt buộc phải nhập cảnh vào Nga mang theo toàn bộ giấy tờ được yêu cầu tại mọi thời điểm và chấp hành mọi mệnh lệnh của cảnh sát sở tại.
Động thái này được cho là nhằm bảo vệ người Kyrgyzstan khỏi tâm lý phản đối người nhập cư gốc Trung Á đang bao trùm nước Nga.
Dù đã âm ỉ trong xã hội Nga từ lâu, làn sóng này ngày càng lan rộng sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Matxcơva tối 22-3, khiến 139 người chết và 182 người bị thương.
Vài giờ sau cuộc tấn công, lực lượng chức năng Nga đã bắt được bốn nghi phạm người Tajikistan - một quốc gia Hồi giáo Trung Á khác - được cho là hung thủ xả súng. Ba người Tajikistan khác cũng đã bị bắt với cáo buộc đồng phạm không lâu sau đó.
Đến ngày 26-3, một người gốc Kyrgyzstan cũng bị tạm giam với cáo buộc cung cấp chỗ ở cho bốn nghi phạm hung thủ.
Ngay sau khi cuộc tấn công kết thúc, Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ việc này. Tổng thống Vladimir Putin và giới chức Nga không vội tin tuyên bố này, một mực cho rằng Ukraine có dính líu đến cuộc tấn công.
Tuy vậy, ông Putin vẫn thừa nhận: "Cuộc tấn công được thực hiện bởi những tín đồ Hồi giáo cực đoan".
Hiện có hàng trăm ngàn người Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan đang sinh sống và làm việc ở Nga. Nhiều người trong số này cho biết họ đã gặp nhiều hành vi phân biệt đối xử sau khi những nghi phạm Tajikistan bị bắt giữ. Cụ thể, nhiều hành khách đã từ chối sử dụng dịch vụ taxi do tài xế người Tajikistan cầm lái, theo Reuters.
Các nhà điều tra Nga đã có mặt tại Tajikistan, để thẩm vấn gia đình của 4 nghi phạm trong vụ khủng bố nhà hát ở ngoại ô Matxcơva.