"Trung Quốc giờ đã là lựa chọn thương mại điện tử hàng đầu của Hàn Quốc" - đó là dòng tít mà tờ Trung Quốc Nhật báo đăng hồi tháng 2 năm nay. Tờ báo này cho biết Trung Quốc đã trở thành lựa chọn mua hàng nước ngoài hàng đầu của người Hàn Quốc vào năm ngoái, lần đầu tiên vượt Mỹ.
"Rẻ không tin nổi"
Theo báo Financial Times, các công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đang tích cực mở rộng ra nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, vì tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc yếu đi. Trong khi đó, cũng ngày càng nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt những người ít tiền, đã chuyển sang các "chợ trực tuyến" của Trung Quốc như AliExpress và Temu.
Giá bán thấp là một trong những điểm hấp dẫn của các sàn thương mại này. "Hầu hết các sản phẩm trên đó đều rẻ đến mức không thể tin được. Giao hàng chậm nhưng tôi có thể chấp nhận nếu giá rẻ hơn 70-80%" - huấn luyện viên lặn người Hàn Quốc Park Soo Hong chia sẻ.
Tại Hàn Quốc, lượng hàng mua từ các nền tảng Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ, gồm cả Amazon, vào năm ngoái. Cứ bốn người Hàn Quốc thì có một người đang sử dụng các trang web bán hàng của Trung Quốc, theo Financial Times.
Với người tiêu dùng Hàn Quốc, AliExpress và Temu là những trang bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh nhất vào năm ngoái, mặc dù các trang này vẫn đứng sau đối thủ đáng gờm Coupang - công ty thương mại điện tử Hàn Quốc được niêm yết tại Mỹ.
Temu, chỉ mới ra mắt cách đây hai năm, đã thâm nhập vào các thị trường mới với chiến dịch tiếp thị rầm rộ và các khoản đầu tư lớn nhằm thu hút người dùng. Với trường hợp AliExpress (của Tập đoàn Alibaba), các nhà phân tích cho biết trang thương mại điện tử này đang thu hút các công ty Hàn Quốc bán hàng trên nền tảng của họ với ưu đãi "không lấy phí hoa hồng" cho đến cuối tháng 3. Điều này có nghĩa các công ty không phải trả phí từ 10-20% doanh số bán hàng thường được tính bởi các sàn thương mại điện tử.
AliExpress cũng nỗ lực giao hàng nhanh hơn bằng cách mở rộng công suất kho hàng ở tỉnh Sơn Đông (miền đông Trung Quốc), gần bán đảo Triều Tiên. AliExpress nói họ là "người chơi mới nổi trong không gian thương mại điện tử ở Hàn Quốc".
Nhiều mối lo
"Các trang mua sắm của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn dự đoán, bán hàng với mức giá rất thấp. Chúng tôi lo mình có thể mất thị phần. Chúng tôi không thể làm gì nhiều trước "cuộc tấn công" của họ" - Lee Seung Jin, người phát ngôn của ứng dụng mua sắm thời trang trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc Musinsa, chia sẻ.
Giáo sư Wi Jong Hyun tại ĐH Chung-Ang ở Seoul lo ngại: "Thị trường thương mại điện tử của chúng tôi có thể sẽ bị Trung Quốc kiểm soát vì chất lượng sản phẩm Trung Quốc đã cải thiện trong những năm gần đây và giá cả cũng thấp hơn, có được bởi lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Bạn không thể thắng Trung Quốc trong cuộc chiến về giá cả".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những lo ngại như vậy đã bị thổi phồng. Nhà phân tích Angela Hong tại Công ty Nomura giải thích "hầu hết lượng hàng mua của người Hàn Quốc trên các nền tảng Trung Quốc đều chỉ giới hạn ở danh mục sản phẩm giá rẻ". Theo ước tính của Nomura, các trang của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc nếu xét về tổng giá trị hàng hóa.
Ngoài ra, các mạng Trung Quốc cũng có những rắc rối của họ. Chẳng hạn AliExpress đang bị khiếu nại nhiều về việc giao hàng trễ và gửi sai hàng. Một số người tiêu dùng cũng lo ngại về hàng giả trên nền tảng này.
Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc đang xem xét thông tin AliExpress bị cáo buộc thiếu bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước này cũng đang điều tra hoạt động xử lý dữ liệu khách hàng của các nền tảng mua sắm nước ngoài, giữa lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin cá nhân sang Trung Quốc thông qua AliExpress và Temu. Chính quyền Hàn Quốc tuyên bố luật thương mại điện tử của họ cũng sẽ áp dụng với các app Trung Quốc.
Mặc dù AliExpress cho biết họ sẽ chi 10 tỉ won trong 3 năm để sàng lọc hàng giả bằng trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng nhiều người Hàn Quốc vẫn chỉ tin tưởng vào mạng này ở một số mặt hàng nhất định. YS Chung, sinh viên đại học 23 tuổi sử dụng AliExpress để mua hàng giá rẻ như ốp lưng điện thoại, cục sạc và dây cáp, chia sẻ: "Tôi sẽ không bao giờ vào trang bán hàng của Trung Quốc để mua những sản phẩm ăn uống hoặc bôi lên cơ thể vì lo ngại về sức khỏe".
Vượt qua Mỹ
Báo Korea Times dẫn dữ liệu từ Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết người Hàn Quốc đã chi 6.750 tỉ won (5 tỉ USD) để mua hàng hóa nước ngoài trên các trang trực tuyến vào năm 2023, tăng 26,9% so với năm trước đó.
Trong tổng số 6.750 tỉ won mà người Hàn đã chi, Trung Quốc chiếm tới 3.280 tỉ won (tương đương 48%), đánh dấu mức tăng 121,2% so với năm trước đó. Mỹ - quốc gia từng là lựa chọn hàng đầu - đã xếp thứ hai khi chỉ chiếm 1.850 tỉ won, tương đương 27%, giảm 7,3% so với năm trước đó.
Số lượng người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài tăng hơn 18,3% vào năm 2023. Đặc biệt, các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Việt Nam và phụ nữ nhập tịch Hàn Quốc tăng mạnh.