Để giảm gánh nặng này, nhiều quán ăn, cà phê, nhất là quán nhậu, đã cố gắng "share" (chia sẻ) mặt bằng để cùng kinh doanh và cùng vượt khó.
Đó được xem là cách tối ưu để tiết kiệm chi phí, "cứu" doanh thu nhằm duy trì quán. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngành F&B, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn chứ khó duy trì lâu dài.
Tìm cách cứu doanh thu
Từ bài đăng với nội dung cần chia sẻ mặt bằng buổi sáng trong nhóm "Chia sẻ (share) mặt bằng TP.HCM", chúng tôi thử liên hệ anh Hồ Thanh Duy ở phường 4, quận Tân Bình.
"Chỗ này tôi đang có quán bán sinh tố từ chiều nên muốn share lại buổi sáng. Ở đây vỉa hè rộng rãi, thích hợp bán cà phê, đồ ăn sáng take away (bán mang đi), có cả chỗ ngồi lại và để xe cho khách. Chị tận dụng tùy ý, cũng có thể sử dụng làm chỗ gửi xe đẩy, vật dụng bán hàng" - anh nói và cho biết giá share lại là 2 triệu/tháng, chưa tính điện nước.
Thông thường, các quán giải khát (cà phê, sinh tố, trà sữa) hay quán nhậu chủ yếu hoạt động từ trưa đến tối khuya nên thường trống mặt bằng sáng. Vì vậy, việc kết hợp cùng các chủ cửa hàng có nhu cầu bán các món ăn sáng, cà phê từ sáng đến trưa được xem là khá phù hợp.
Chi phí share dao động từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, có nơi cao hơn nếu mặt bằng rộng và may mắn sẽ được miễn luôn tiền điện nước.
Chị Trần Lan (chủ một quán nhậu ở quận Tân Phú) cũng tìm người chia lại mặt bằng từ sáng sớm tới 15h, sau đó là thời gian hoạt động của quán nhậu.
"Bữa giờ đăng tin đã có nhiều người tới hỏi. Ở đây bề ngang tận 8m, rất rộng nên tôi gợi ý các bạn có thể chia ra bán đồ ăn đem đi, người bán bánh mì, người bán cà phê sáng để tiết kiệm chi phí, cũng là để hỗ trợ nhau kinh doanh thôi", chị Lan nói.
Trong khi đó, chị Đào Nguyệt (41 tuổi, chủ một quán cà phê ở đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình) cho hay vừa tìm được người share mặt bằng 2 triệu/tháng bán cơm tấm buổi sáng ngay tại quán cà phê của mình.
Chị nói giá thuê đó chỉ để bù vô đỡ tiền mặt bằng. "Tôi không làm hợp đồng thuê hay lấy tiền cọc gì của người ta hết, hỗ trợ điện nước luôn. Mình khó khăn, họ cũng gặp khó nên hỗ trợ tối đa", chị nói.
Theo chị Nguyệt, từ đầu năm 2023 tới nay khách đến quán cà phê của chị ngày càng vắng, trong khi phải gồng tiền thuê nhà (chỉ mặt bằng và tầng trệt) 10 triệu/tháng, chưa kể các chi phí khác.
"Ngày xưa tôi không bao giờ share mặt bằng vì bán rất được, lượng khách ổn lắm. Còn từ đầu năm ngoái tới giờ toàn lấy công làm lãi vì không có lời một đồng nào.
Hai vợ chồng vừa làm chủ vừa làm nhân viên, tự lau dọn luôn chứ không dám thuê người phụ vì sẽ càng âm vốn", chị nói và cho biết chủ nhà cũng đồng ý cho share mặt bằng sau khi thấy quán quá ít khách.
Suy nghĩ kỹ trước khi ký hợp đồng
Thuận mua vừa bán, nhiều người chỉ đăng tin share mặt bằng vài giờ đã "chốt đơn" xong, nhưng cũng có không ít tin đăng và bảng dán "Cần cho thuê mặt bằng buổi sáng" cứ treo mãi ở đó. Điều này tùy thuộc vào vị trí, diện tích mặt bằng cũng như các điều kiện và tiện ích khác.
Trong đó, giá cả cũng là một trong những yếu tố khiến người đi thuê mặt bằng theo hình thức này phải đắn đo, suy nghĩ nhiều.
Chị Nguyễn Minh Trúc (35 tuổi) trong quá trình tìm mặt bằng buổi sáng để bán bánh mì hoặc cà phê mang đi đã thở dài, tâm sự: "Tôi tìm quanh khu vực Bình Thạnh tầm tháng nay mà chưa thấy chỗ nào ưng ý. Chỗ vị trí đẹp, giá hợp lý thì không có nơi gửi lại xe đẩy, còn chỗ rộng rãi hơn thì giá cao mà xung quanh lại có sẵn nhiều hàng bánh mì, cà phê pha máy, tôi sợ cạnh tranh không nổi. Còn tìm xa nhà hơn thì đi lại cũng mất thời gian".
Nghe chúng tôi nói muốn tìm mặt bằng bán bánh mì mang đi, anh Huy Tuấn (đã đổi tên) - chủ một xe cà phê pha máy take away mới khởi nghiệp trên đường Trường Sa (quận Phú Nhuận) - kêu chúng tôi nên suy nghĩ thật kỹ.
Chỉ vào xe cà phê, anh cho hay một ngày chỉ bán được khoảng 20 ly và có khả năng dẹp tiệm sớm dù đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng đầu tư.
"Sáng hay tối gì thì cũng ế lắm, từ quán cà phê, bán bánh mì, súp cua rồi tối là quán nhậu cũng toàn thấy nhân viên đông hơn khách, chỉ trừ một vài quán bán ổn thôi. Nên tìm mặt bằng khác đi, ở đây vắng lắm, nhắm gồng lỗ được thì hãy làm" - Tuấn dặn dò và kể rằng thậm chí chủ quán nhậu đang cho anh share mặt bằng cũng đang tính phương án ngưng hoạt động bởi quá ế ẩm, càng làm càng lỗ.
Chuyên gia F&B (ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống) Trần Trung Hiếu (Ricky Hiếu Trần) cho biết trong năm 2022 sau dịch, ngành F&B có doanh thu tăng trưởng khá tốt. Điều đó có phần tạo ra ảo tưởng, hy vọng lớn cho những người kinh doanh trong ngành.
Tuy nhiên, một đợt suy thoái đầy bất ngờ vào năm 2023 làm cho ngành F&B hầu như sụt giảm nghiêm trọng, có những quán sụt giảm 20 - 30% và rất khó duy trì hoạt động.
Điều này đã kéo dài suốt năm 2023, thậm chí đến gần Tết 2024 cũng cho thấy doanh thu không bằng cùng kỳ mọi năm. Ngoài ra nghị định về nồng độ cồn cũng ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng khi sử dụng bia rượu, tức sử dụng dịch vụ, dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Quán xá ế ẩm, để cứu doanh thu và chi trả các chi phí, nhiều chủ quán tìm người chia sẻ mặt bằng thuê, nhận giữ xe qua đêm cho khách, kết hợp đơn vị vận chuyển đưa khách về nhà, tung ra các chương trình khuyến mãi để kéo khách.
Tuy nhiên theo ông Hiếu, đó là giải pháp ngắn hạn để "vùng vẫy". Việc chia sẻ mặt bằng trong thời gian ngắn giúp cải thiện chi phí, nhưng về lâu dài thì không ổn vì sẽ có nhiều bất cập và không phải lúc nào cũng tìm được người thuê.
Ông Hiếu gợi ý các chủ quán có thể nhắm tới phương án thu gọn mô hình kinh doanh của mình lại, tăng cường bán qua các nền tảng online.
"Khi khó khăn ập đến, ai cũng phải vật lộn để tìm cách tồn tại. Thị trường thay đổi thì người làm kinh doanh phải thay đổi. Giới trẻ ngày càng ít uống rượu bia, các quán kinh doanh phải hiểu mình đang trong xu hướng nào để chuyển đổi phù hợp.
Nếu trước đây chủ yếu bán bia rượu thì bây giờ phải co nhỏ bia rượu lại, mở ra thêm dịch vụ ăn uống, tạo sản phẩm mới để tìm kiếm đối tượng khác thì mới đi đường dài được", ông Hiếu cho hay.
Cần chọn kỹ người share
Anh Nguyễn Hoàng Hà, chủ một tiệm cà phê trên đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), chia sẻ bí quyết share mặt bằng thành công: "Lúc khó khăn này mà được chia tiền thuê mặt bằng thì đỡ lắm, nhưng cũng cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng, kẻo được chút tiền lại mất khách. Thứ nhất là hàng họ bán có hợp với thứ mình bán không?
Tôi đã từ chối hai người bán cơm tấm và cháo lòng vì quán cà phê của mình không rộng, sẽ rất nặng mùi. Sau đó, tôi chấp nhận share mặt bằng với cô bán bánh mì trẻ tuổi, vui vẻ để hợp với quán cà phê của mình và quán của tôi đã đông khách thêm".
Ở góc độ ngày càng nhiều người tìm mặt bằng nhỏ để bán đồ take away, theo ông Hiếu, đây là chuyện muôn đời, cái gì người ta thấy dễ sẽ nhảy vào kinh doanh.
"Tuy nhiên càng nhiều người tham gia, cạnh tranh nhiều, nếu chẳng có gì đặc biệt sẽ khó tồn tại lâu dài. Nhất là ngành F&B đòi hỏi phải có thời gian, bỏ công sức tạo ra đối tượng khách hàng trung thành. Còn nếu không có kiến thức, nghiên cứu thị trường, sự chuẩn bị cần thiết thì rất khó thành công", ông Hiếu nhận định.
Dù bước vào mùa mua sắm lớn nhất năm, các mặt bằng ở trung tâm TP.HCM vẫn đối diện với tình trạng trả mặt bằng, vắng khách thuê và nhiều mặt bằng vẫn để trống cả năm trời.