Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh các trinh sát của lực lượng đặc biệt, đang kiểm tra một chiếc xe tăng Abrams của Ukraine bị hạ gục ở khu định cư Berdychi, cách Avdiivka khoảng 3 km về phía đông bắc, từ hình ảnh có thể thấy nội thất trong xe gần như còn nguyên vẹn.
Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov đã lý giải về những lợi ích mà Nga có thể thu được trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tính năng kỹ thuật từ chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ như thế nào.
“ Nhiệm vụ của chúng tôi là kiểm tra chiếc xe tăng để xác định xem nó còn nguyên vẹn hay không, để tìm hiểu về vũ khí và trang bị của nó ”, một trinh sát có biệt danh “Leshy”, người tham gia nhiệm vụ trên, nói với Sputnik.
Người lính này cho biết không dễ để tiếp cận xác chiếc xe tăng Abrams, do vị trí xe tăng nằm gần cứ điểm của Ukraine. Hiện tại lực lượng của cả hai bên đều không thể triển khai phương tiện cơ giới để kéo chiếc M1A1 khỏi hiện trường, do pháo binh và thiết bị bay không người lái tự sát của đối phương thường xuyên hoạt động.
“B ất kỳ phương tiện, thiết bị nào được đưa tới để thu hồi chiếc Abrams này đều có khả năng phải gánh chịu những tổn thất không đáng có ”, sĩ quan tình báo cấp cao với biệt hiệu “Izay”, người lính đã ghi lại những thước phim ấn tượng bên trong chiếc Abrams giải thích.
Đến nay, đã có 4 trong số 31 chiếc M1A1 Abrams được Mỹ chuyển giao cho Ukraine bị phá hủy hoặc hư hỏng và bị bỏ rơi. Các “thợ săn” xe tăng Nga đã sử dụng kết hợp máy bay không người lái FPV và hệ thống chống tăng di động như RPG-7 để hạ gục loại xe tăng hạng nặng này.
Nga có thể nhận được gì khi nghiên cứu Abrams?
Những chiếc Abrams được viện trợ cho Ukraine là những biến thể đơn giản hóa so với nguyên mẫu biên chế trong quân đội Mỹ. Tuy có cùng thiết kế khung thân và tháp pháo, nhưng Abrams của Ukraine lại không có các thiết bị chuyên dụng được trang bị như trên xe tăng của Mỹ, như lớp giáp uranium, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho đến các công cụ phát hiện máy bay không người lái.
“ Chiếc xe tăng này sẽ mang lại cho chúng ta điều gì? Trước hết, chúng tôi có thể nghiên cứu thân xe tăng, tháp pháo và tất cả các hệ thống bên trong của nó ”, chuyên gia quân sự Alexey Leonkov ở Moskva nói với Sputnik.
“ Chúng tôi có thể xác định các điểm yếu của nó, từ đó có thể hiểu hệ thống điều khiển hỏa lực và pháo chính của Abrams khai hỏa như thế nào. Sau khi xác định được những điểm yếu, chúng tôi sẽ thực hiện những điều chỉnh cần thiết để có thể tiêu diệt chiếc xe tăng này bằng mọi loại vũ khí chống tăng hiện có một cách đơn giản hơn ”.
“ Bất kỳ chiếc xe tăng nào của Ukraine cũng luôn được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi nghĩ sớm muộn gì nó cũng sẽ bị kéo đến bãi thử nghiệm, nơi sẽ diễn ra việc thử nghiệm các loại súng chống tăng mới để hạ gục những chiếc xe tăng đến từ phương Tây ”, nhà quan sát giải thích.
Xe tăng phương Tây trên chiến trường Ukraine
Chuyên gia Leonkov chỉ ra rằng, “ Hiệu suất chiến đấu kém của Abrams và các xe tăng chiến đấu chủ lực khác của phương Tây trên chiến trường Ukraine đã được Quân đội Nga, các nhà quan sát độc lập, thậm chí cả truyền thông phương Tây và cả Ukraine cũng phải thừa nhận ".
Ngày 21/3, một bài đăng trên tờ Kyiv Post đã so sánh những chiếc xe tăng đắt tiền, bọc thép dày của NATO với những chiếc xe tăng thời Liên Xô và cho rằng ngay từ đầu, lẽ ra các nước phương Tây không nên chuyển giao chúng cho Ukraine.
Chuyên gia nghiên cứu về Chiến tranh Iraq và từng là cựu chỉ huy xe tăng Abrams, Mike Riedmuller cho biết, M1 Abrams và các loại xe tăng khác đã không thể hoạt động như mong đợi ở Ukraine do mật độ máy bay không người lái giá rẻ trên chiến trường, khiến hoạt động của các phương tiện bọc thép hầu như không thể thực hiện được.
Cựu chỉ huy xe tăng người Anh Simon Johnson cho biết: “ Các cuộc giao tranh bằng xe tăng giữa Nga và Ukraine là rất hiếm, so với những cuộc chiến tranh từng diễn ra ”.
Bên cạnh đó, những chiếc xe tăng mà NATO chuyển giao cho Ukraine còn có hàng loạt vấn đề khác, từ khả năng hoạt động kém trên địa hình đầy bùn, đến thiếu phụ tùng để thay thế, sửa chữa và việc tiêu thụ nhiên liệu quá mức, cũng như các vấn đề về khả năng di chuyển do lớp giáp quá nặng, khiến chúng không thể di chuyển qua một số cây cầu ở Ukraine.
Nhận ra điều này, đặc biệt là sau cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái bị thất bại, Quân đội Ukraine đã phải sử dụng những chiếc xe tăng còn lại của mình một cách cẩn thận hơn, trong đó bao gồm cả xe của NATO viện trợ và từ thời Liên Xô, chúng chỉ được triển khai ở các khu vực có nhiều cây cối và thời tiết xấu để tránh bị UAV Nga phát hiện.
Nhưng chiến lược này của Kiev được cho là không mang lại kết quả như mong đợi, bởi những chiếc xe này vẫn liên tục bị máy bay không người lái Nga phát hiện và loại khỏi vòng chiến đấu.
Xem thêm: nhc.493526401823042881-eniarku-o-coud-uht-smarba-gnat-ex-ex-om-ihk-ig-coud-mit-agn/nv.fefac